Từ giấc mơ Trung Quốc đến giấc mơ Việt Nam


Muốn bay cao, bay xa, chúng ta cần hiện thực hóa mơ ước sát sườn của đất nước: sửa chữa những khiếm khuyết còn tồn tại. Khi những tỳ vết đã được loại bỏ khỏi tảng đá quý, bàn tay, khối óc của người Việt Nam sẽ tạc nên tượng đài hùng vĩ biểu trưng cho tương lai rộng mở của đất nước.

Việt Nam cũng cần một giấc mơ

Qua những dòng tóm lược của tác giả Nguyễn Hải Hoành về cuốn sách Giấc mơ Trung Quốc, có thể thấy kỳ vọng của quốc gia này vào một thời đại mới, khi Trung Quốc thế chân Mỹ lãnh đạo thế giới, trở thành quán quân về mọi mặt từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa. Thực chất, đây  là khát vọng ngàn đời của một đất nước luôn mang giấc mơ hùng bá thiên hạ, nay đã có cơ hội để biến thành nó thành hiện thực.

Người phương Tây có câu “Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng vì sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã bị gãy”. Ở trên đời, từ mỗi cá nhân cho đến một quốc gia, nếu không dám mạnh dạn ước mơ và dấn thân thì không những không thể thành công, mà thậm chí còn trở thành vô dụng. Luôn sợ hãi không dám mạnh bạo tiến lên thì đất nước sẽ mãi dậm chân tại chỗ; đôi chân khỏe mạnh, dẻo dai cũng sẽ vì thế mà mỏi mệt, rã rời.

Do đó, không chỉ riêng các nước lớn như Trung Quốc mới cần có những giấc mơ lớn, khát vọng lớn, cần mạnh bạo bước đi, mà ngay cả những nước nhỏ như Việt Nam cũng cần có giấc mơ cho riêng mình, để từ đó từng bước thực hiện những bước đi táo bạo nhằm hiện thực hóa giấc mơ.

Cá nhân tôi nghĩ, mơ ước nào cũng phải bắt đầu từ những điều thực tế, vì nếu xa rời thực tế nó sẽ trở thành mơ ước viển vông. Không thể nào hiện thực hóa giấc mơ sánh vai với các cường quốc năm châu, nếu bản thân việc tề gia trị quốc còn quá nhiều bề bộn. Người Việt Nam không thể vững lòng cùng nhau xây dựng đất nước thành rồng thành hổ nếu chung quanh họ còn nhiều chuyện trái ngang. Vì thế, xin được tách “giấc mơ Việt Nam” thành hai phần: hoàn thiện mình và ngày một vươn xa.

Giấc mơ hoàn thiện nước Việt Nam

Từ buổi sơ khai, câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, nở trăm con là lời nhắc nhở ân cần về tình nghĩa anh em giữa mỗi người dân nước Việt, là nguồn cội của tinh thần đoàn kết quý báu đã làm nên bao chiến công trong lịch sử. Nhưng, khi gian khổ qua đi, người Việt Nam có biết đoàn kết trong thời bình để cùng dựng xây đất nước, hay ngày càng mải mê tranh giành quyền lợi, chia bè phái, mối quan hệ anh em khăng khít ngày càng phai nhạt?

Ai đó nói rằng, một người Việt Nam có thể hơn một người Trung Quốc, nhưng ba người Việt Nam sẽ không bằng ba người Trung Quốc vì chúng ta thiếu sự đồng lòng. Để thực hiện những mơ ước cao xa, trước tiên phải giữ vững tinh thần đoàn kết, phải biến lời nhắc nhở của Mẹ Âu cơ thành tâm niệm luôn mang trong lòng. Chỉ bằng cách đoàn kết, chúng ta mới có thể viết tiếp những dòng tiếp theo của trang sử huy hoàng.

Thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi viết trong áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo:

Đất nước từ nay vững bền

Giang san từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Nghìn thu vết nhục nhã sạch làu

Muôn thủa nền thái bình vững chắc

Nguyễn Trãi viết những dòng này từ cách đây gần 600 năm. Nhưng từ đó đến nay “nền thái bình vững chắc” của chúng ta đã bao lần trải qua binh lửa, cho đến hôm nay, dù đất nước đã tạm yên nhưng ở ngoài xa khơi biển vẫn đang dậy sóng.

Mơ ước thiêng liêng của người Việt Nam là giữ vững được nền độc lập, bảo vệ toàn vẹn biển trời của tổ tiên để lại.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 xác định mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Đến nay, gần mười năm đã qua đi, ước mơ ấy, quyết tâm ấy của toàn Đảng, toàn dân ta đã thực hiện được bao nhiêu? Không thể phủ nhận những tiến bộ vượt bậc về kinh tế, nhưng sự phát triển ấy có thật sự bền vững khi tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng? Người dân có được hưởng đồng đều lợi ích của tăng trưởng kinh tế khi khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng?

Công bằng xã hội có được đảm bảo khi nhiều cán bộ, đảng viên đang xa rời lý tưởng phục vụ nhân dân, trở thành những “quan cách mạng” như Bác Hồ từng lo ngại? Thành thật mà nói, giấc mơ này cần nhiều hơn mười năm để có thể trở thành hiện thực.

Giấc mơ về “người khổng lồ bé nhỏ”

Xin mượn tựa đề cuốn Những người khổng lồ bé nhỏ (Small Giants) của Bo Burlingham để diễn tả giấc mơ Việt Nam cao hơn, xa hơn, vượt ra ngoài việc đảm bảo những nhu cầu cơ bản: độc lập, giàu mạnh, công bằng, bền vững.

Việt Nam có cơ hội trở thành người khổng lồ hay không khi trên bản đồ thế giới chúng ta chỉ là một dải đất nhỏ hẹp, nằm bên cạnh những nước bạn nghèo, nằm bên dưới một người khổng lồ cả về nghĩa đen, nghĩa bóng? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu chúng ta biết phát huy nội lực và tận dụng cơ hội của thời đại mới.

Về quân sự, chúng ta không mạnh về quân số và vũ khí, nhưng nếu biết phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, với thế trận quốc phòng toàn dân và nghệ thuật chiến tranh nhân dân đạt tới đỉnh cao; chúng ta sẽ trở thành một điểm trọng yếu trên bản đồ quân sự thế giới. Trở thành người khổng lồ bé nhỏ về quân sự không phải để tranh hùng, tranh bá mà để giữ gìn sự toàn vẹn của đất nước, đảm bảo quốc phòng an ninh tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển.

Về kinh tế, giấc mơ của chúng ta là thoát khỏi danh sách các nước nghèo, vượt qua chiếc bẫy thu nhập trung bình, vươn lên những thứ bậc cao trong các bảng xếp hạng về các chỉ tiêu kinh tế. Không chỉ là rồng, là hổ của khu vực Đông Nam Á, sẽ đến một ngày Việt Nam có tên trong những “G…” của thế giới. Giấc mơ ấy có quá viển vông không?

Sẽ là viển vông nếu chúng ta không nỗ lực phấn đấu, không chủ động nắm bắt xu hướng của thời đại, không làm chủ được khoa học kỹ thuật, không tận dụng được vị trí thuận lợi, không sử dụng hữu hiệu các lợi thế tuyệt đối và tương đối của đất nước.

Chúng ta sẽ thực sự là một người khổng lồ nếu phấn đấu trở thành cái nôi nuôi dưỡng các nhà khoa học tài ba, các công nhân kỹ thuật lành nghề; trở thành vựa lương thực lớn của thế giới; trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong thương mại quốc tế; hay đơn giản làm theo lời khuyên của một nhà kinh tế khi tới Việt Nam – trở thành đầu bếp của thế giới với những bàn tay nghệ nhân tài hoa và vốn ẩm thực cổ truyền phong phú… Chúng ta có rất nhiều cơ hội để hiện thực hiện giấc mơ này, nếu có đủ bản lĩnh và trí tuệ.

Về chính trị, Việt Nam có thể vươn vai trở thành người khổng lồ hay không? Một khi đã thực hiện thành công giấc mơ về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đã có thế và lực về kinh tế, quân sự, tiếng nói của chúng ta trên diễn đàn chính trị sẽ là tiếng nói có trọng lượng.

Tôi không mơ ước Việt Nam trở thành bá vương gì; sự vĩ đại của chúng ta thể hiện ở tình hữu ái quốc tế – Việt Nam sẽ là một đất nước sát sao với các vấn đề lớn của thế giới, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các bài toàn chung của nhân loại, góp tiếng nói tích cực trong việc bảo vệ các nước nhỏ, đảm bảo sự công bằng giữa các quốc gia và gìn giữ hòa bình thế giới. Việt Nam sẽ là kiểu mẫu của một nền chính trị dân chủ, hữu nghị. Đó chính là phẩm chất của một người khổng lồ, một bậc “đại hiệp” trong thời đại mới.

Còn nhiều lắm những giấc mơ đẹp cho Việt Nam. Chúng ta mong trở thành người khổng lồ về văn hóa, nghệ thuật, người khổng lồ về khoa học, công nghệ, người khổng lồ về giáo dục đào tạo..

Thực chất đó chính là giấc mơ về một đất nước sống đẹp, hiên ngang, hào hiệp, bản lĩnh và trí tuệ. Sức mạnh của người khổng lồ bé nhỏ Việt Nam toát ra từ các giá trị nội tại, bởi các giá trị đó hữu ích cho sự sinh tồn và phát triển của nhân loại.

Dù sao, chỉ xin nhắc lại rằng muốn bay cao, bay xa, chúng ta cần hiện thực hóa mơ ước sát sườn của đất nước: sửa chữa những khiếm khuyết còn tồn tại. Khi những tỳ vết đã được loại bỏ khỏi tảng đá quý, bàn tay, khối óc của người Việt Nam sẽ tạc nên tượng đài hùng vĩ biểu trưng cho tương lai rộng mở của đất nước.

Tác giả: KHƯƠNG DUY (Tuanvietnam)

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Từ giấc mơ Trung Quốc đến giấc mơ Việt Nam

  1. Pingback: “Giấc mơ Việt Nam” và “Quyền của tự nhiên” « Hãy dành thời gian

Bình luận đã được đóng.