Sự thật hải dương học: Hoàng Sa – Việt Nam! – Kỳ cuối


Sự thật hải dương học: Hoàng Sa – Việt Nam! – Kỳ cuối: Giúp dân định cư trên đảo

Cùng với việc tuyển dụng các viên chức làm việc cho trạm hải đăng, trạm điện báo vô tuyến (TSF) và trạm khí tượng thường trú trên đảo Hoàng Sa, mục tiêu mà nhà cầm quyền Đông Dương hướng đến là đưa một nhóm người địa phương sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt ra định cư ở vùng đất mới này.

Đào giếng nước ngọt trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1938 - Ảnh tư liệu (HỮU KHÁ chụp lại)

Đào giếng nước ngọt trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1938 – Ảnh tư liệu (HỮU KHÁ chụp lại)

Quy hoạch khu dân cư

Theo ông Raoul Sérène, ngày 13-10-1937, từ Đà Nẵng, toàn quyền Đông Dương đã gửi cho các nhà khoa học một bức điện tín đề cập đến các vấn đề nhằm đảm bảo điều kiện định cư cho người dân địa phương trên đảo Hoàng Sa. Báo cáo của ông Bellec – bác sĩ tàu La Marne – khẳng định môi trường sống ở đảo Hoàng Sa cũng như các đảo khác trong quần đảo rất trong lành, đảm bảo cho người dân cư trú lâu dài.

“Ghi chép về các khả năng tổ chức cuộc sống ở quần đảo Hoàng Sa” (1937) do ông R.Sérène soạn thảo cho thấy các nhà khoa học đã khảo sát đầy đủ về các vấn đề: quy hoạch khu dân cư, khu định cư cho ngư dân, lối vào đảo và các con đường đi lại trên đảo… Theo đó, địa điểm cư trú trên đảo cũng được xác định phải có khoảng cách phù hợp với cầu cảng, sân bay, thuận lợi cho việc tiếp nhiên liệu thường kỳ. Về quy hoạch dân cư, các nhà khoa học đã vẽ một bình đồ tổng thể tỉ lệ 1/4.000 (có đánh dấu các vị trí rạn san hô quan trọng có thể bảo vệ chống lại gió mùa đông) và một bản đồ mặt bằng trên đảo có tỉ lệ gấp đôi, để phân tích chi tiết và đánh dấu các vị trí nơi dự kiến cho người dân cư trú.

Trong quy hoạch này có khu định cư riêng cho ngư dân bởi nguồn thực phẩm chính cho Hoàng Sa là các sản phẩm từ biển. Vì vậy, những người định cư trên đảo Hoàng Sa phải là nhóm cộng đồng người Việt sống bằng nghề đi biển. Cần cung cấp cho mỗi gia đình một đến hai thuyền mành và xây dựng cho họ những căn nhà kiên cố cùng với bến neo tàu. Các nhà khảo sát đã lập bản đồ đánh dấu vị trí làng sinh sống của những người đi biển và gia đình họ.

Về lối vào đảo và những con đường đi lại trên đảo, kết quả khảo sát cho thấy có hai luồng tự nhiên trong đầm để thuyền có thể cập vào đảo: một ở bờ nam và một ở bờ đông. Luồng vào bờ nam có ngọn hải đăng, rất nhiều thuyền đi lại nhưng nước thấp khi triều xuống (có thể cải tạo, ít tốn kém). Luồng ở bờ đông tránh được những con sóng đến từ phía nam, luồng lạch sâu và đã được cải tạo, có bến tàu rộng rãi xây bằng ximăng, tàu có thể cập được các mùa trong năm. Trên đảo có hai đường mòn hai bên đầy bụi rậm rộng khoảng 3-4 m dẫn đến hai luồng lạch nêu trên, cần thiết sẽ mở đường rộng ra.

Vợ của các công chức trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1940 - Ảnh tư liệu (HỮU KHÁ chụp lại)

Vợ của các công chức trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1940 – Ảnh tư liệu (HỮU KHÁ chụp lại)

Đảm bảo điều kiện sinh sống

Qua khảo sát, các nhà khoa học đã đề xuất các kiểu nhà, việc cung cấp vật liệu làm nhà, cung cấp nước ngọt và nhiên liệu, các nguồn thực phẩm bản địa và biện pháp phòng tránh bão. Các kiểu nhà, kho, xưởng phải chịu được sự công phá của các cơn bão thường kỳ quét qua đảo. Sẽ xây các kiểu nhà trệt, tuyệt đối không có lầu, chỉ có mái hiên trước, tường đá có độ dày phù hợp để quét ximăng. Mái nhà bằng gỗ hoặc kim loại, nền nhà đúc bằng bêtông và lát gạch vuông trên lớp nhựa đường. Tất cả cửa ra vào và cửa sổ phải được trang bị các khóa chốt có thể đảm bảo chịu được lốc xoáy.

Vật liệu làm nhà chuyển từ đất liền ra rất khó. Tuy nhiên ở phía bắc đảo có một thảm đá vôi san hô có thể lấy làm vữa trét xây dựng nhà. Các nhà khoa học ước tính khối đá này khoảng 3.000m3. Nếu không đủ có thể khai thác từ mỏ đá cuội san hô ở bãi đông nam đảo Quang Hòa. Mặt khác, đảo Hoàng Sa, cũng như tất cả các đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa, có nhiều tảng san hô chết có thể cung cấp lượng vôi đặc cực lớn, trộn cùng với cát hạt lớn thành vữa để trét xây dựng nhà. Việc vận chuyển ra đảo các vật liệu như sắt, cát, bêtông… để xây nhà sẽ tiến hành vào mùa biển lặng.

Cung cấp nước ngọt là một vấn đề lớn bởi không chỉ cho người dân sử dụng mà còn cần thiết cho canh tác. Có một vài vị trí khác nhau trong các rạn san hô vòng, qua nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học phỏng đoán có một tầng nước ngọt sạch. Sự phong phú về thảm thực vật trên đảo đã tăng thêm độ ẩm cho đảo để duy trì nguồn nước. Trong các chuyến khảo sát trước đó, một số giếng nước trong quần đảo Hoàng Sa đã được khoan. Ngay trên đảo Hoàng Sa cũng có một giếng lớn, thành giếng là một loại đá không thấm nước, có một cầu thang dẫn xuống để lấy nước. Giếng nước này khi khảo sát không sử dụng nên bị lá cây phân hủy lấp đầy. Các nhà khoa học cũng phát hiện một số hang có thể dẫn nước về cung cấp cho khu dân cư.

Cung cấp chất đốt cho người dân trên đảo cũng là một vấn đề quan trọng. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi thực hiện quy hoạch đảo Hoàng Sa phải phát quang bụi rậm và cây cối, các loại gốc thu hồi này bước đầu cung cấp được nguồn chất đốt trước mắt. Tiếp đó, nếu cần thiết có thể khai thác một số loại cây có khả năng hồi sinh nhanh ở một số đảo bên cạnh.

Về các nguồn thực phẩm bản địa, khảo sát cho thấy trên đảo có bảy, tám loài cây nhưng không có loài cây dùng làm thực phẩm được. Trái lại, nguồn thực phẩm từ hải sản rất lớn. Ngư dân từng đến Hoàng Sa khai thác rùa biển, sau khi đánh bắt họ chất thịt đầy trên thuyền mành của họ. Ngư dân còn khai thác hải sâm, trai tai tượng và các loài thân mềm. Họ còn dùng cả câu mành để bắt loài cá trong rạn san hô. Ở quần đảo Hoàng Sa còn nhiều loài rong chiết xuất được chất thạch màu trắng để sản xuất đồ uống và nấu canh rất ngon, được người dân các vùng Viễn Đông ưa thích. Tuy nhiên, để đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân trên đảo cần phải trồng trọt. Các nhà khoa học lưu ý quần đảo Hoàng Sa rất giàu phosphat, đây là nguồn phân bón phục vụ việc trồng rau củ và các loại cây ăn quả như khoai, bắp, dứa, đu đủ và dừa. Đặc biệt dừa là loại cây cần trồng ở đảo Hoàng Sa và đảo Quang Hòa để tạo thêm cảnh quan đẹp. Để đáp ứng nhu cầu cư dân quy hoạch trên đảo, cần một diện tích trồng trọt khoảng 7.000a (1a= 100m2). Vấn đề khó khăn nhất là vận chuyển gạo đảm bảo nhu cầu dự trữ từ mùa này sang mùa khác cho người dân trên đảo.

Sau cùng về phòng tránh bão, vì quần đảo Hoàng Sa hứng chịu nhiều cơn bão từ Philippines nên nhà trên đảo cần được xây vững chắc và phải nằm ở vị trí trũng. Để bảo vệ khu dân cư trên đảo cần trồng một vành đai rừng phòng hộ rộng khoảng 20m.

Việc đưa dân định cư ra đảo sau đó được tiến hành nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra những năm sau đó khiến kế hoạch này dở dang.

HUỲNH HIẾU (TTCT)

Tìm nơi đáp thủy phi cơ và làm sân bay

Khảo nghiệm ngày 25-10-1937, hai chiếc thủy phi cơ từ Sài Gòn và Đà Nẵng đã đáp xuống vùng nước phía nam của đảo Hoàng Sa, trong giữa đầm nơi có các tàu neo đậu tránh gió, để tiếp nhiên liệu mà không gặp một trở ngại nào. Ngoài ra, theo thuyền trưởng tàu Kaufman, đầm rộng giữa rạn Hải Sâm là nơi đáp thủy phi cơ tuyệt vời.

Về sân bay, chuẩn đô đốc tàu Estiva cuối tháng 2-1937 đặc biệt chú ý đến mặt bằng trên đảo Hữu Nhật. Theo ông, mặt bằng đảo Hữu Nhật lý tưởng hơn, mặc dù vị trí dự định cho sân bay trên đảo Hoàng Sa ít phải đầu tư.

(Báo cáo của ông R. Sérène 1953 trong tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học)

____________________

Loạt bài này được thực hiện với sự cung cấp tư liệu của PGS-TS Võ Sĩ Tuấn – viện trưởng Viện Hải dương học, và dịch giả Nguyễn Thanh Vân, trưởng phòng thông tin – thư viện của viện này.

____________________

* Tin bài liên quan:

>> Kỳ 1: Sự thật hải dương học: Hoàng Sa – Việt Nam!
>> Kỳ 2: Phát hiện “cao nguyên đáy biển”
>> Kỳ 3: Mỏ phosphat khổng lồ ở Hoàng Sa

>> Kỳ 4: Nhật ký về chim biển
>> Kỳ 5: Ngọn hải đăng chủ quyền