Chữ gì mới thực bằng ba chữ tài?


Nguyễn Quang Lập

Hôm nay tin tức tiến sĩ Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields đã được hầu hết báo chí trong nước đưa tin, thể hiện niềm tự hào của dân Việt trước một tài năng toán học nước nhà. Fields là giải thưởng lớn nhất thế giới về toán, vì giải Nobel không trao cho toán học, có thể coi Fields là giải Nobel của toán học.

Rõ ràng Ngô Bảo Châu là một tài năng lớn về toán học nước nhà, mấy trăm năm mới có một lần. Thế kỉ 15 ta có trạng nguyên Lương Thế Vinh và bây giờ ta có tiến sĩ Ngô Bảo Châu, chưa thấy có người thứ 3. Lương Thế Vinh viết hai cuốn sách Đại thành Toán pháp và Khải minh Toán học thiên hạ mấy trăm năm ai cũng nể phục nhưng đấy chỉ là các phép toán đã có mà ông gom góp lại. Ngô Bảo Châu đã có hàng chục công trình nghiên cứu, sáng tạo hàng trăm phép toán. Đặc  biệt “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của Ngô Bảo Châu và Gerard Laumon (người Pháp) đã được tạp chí nổi tiếng thế giới Times bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009.

Chúng tôi sẽ không nhắc lại những điều trên nếu không bất ngờ biết được thông tin hằng năm Gs Ngô  Bảo Châu vẫn về nước giảng dạy và được Viện toán trả lương 5 tr/ tháng, không bằng lương khởi điểm của nhiều công ty trong nước ngày nay. Ông Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết: “Viện Toán học đã “phá lệ” khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số, như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Anh phải tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương ít ỏi như thế.” Thật quá ngạc nhiên.

Qua đó mới thấy cái chỉ số 8.0 và hệ số dành cho giáo sư toán thật là bèo bọt. Mới hiểu vì sao trong  1000 tiến sĩ toán chỉ có 150 người theo đuổi nghề toán. Người ta kiếm bằng lấy danh chứ chẳng ai dám kiếm kế sinh  nhai bằng nghề toán.

Qua đó cũng thấy cái chủ nghĩa bình quân vẫn còn là lực cản to lớn trong chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Việc Viện toán không cách nào có thể trả một đồng lương xứng đáng cho Ngô Bảo Châu còn cho thấy cả căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh giấy tờ vẫn tồn đọng ở những nơi được coi là trí tuệ ưu việt.

Tất nhiên Ngô Bảo Châu về nước dạy không phải vì 5 triệu đồng kia nhưng với một đồng lương như thế trả cho một tài năng toán học thì thật là xấu hổ, nó bĩ mặt dân Việt vốn là dân luôn coi trọng tài năng. Nhà nước ta không bao giờ tiếc tiền đối với nhân tài cả. Chỉ có chúng ta tự làm khổ nhau, ngáng chân nhau vì chủ nghĩa bình quân và thói đố kị. Tao giáo sư mày cũng giáo sư, thậm chí tao còn ông nọ bà kia, mày chẳng qua chỉ là giáo sư quèn, tại sao lương mày lại cao hơn cả lương tao. Đằng sau những giải thích đổ lỗi cho cơ chế liệu có tâm lý đó không? Chắc có.

Cho nên khi biết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ, để đưa ngành toán lên hàng thứ 40 của thế giới, để đến năm 2020 sẽ có 70% giảng viên toán đại học là tiến sĩ, và để vân vân để…e rằng  sẽ chẳng đến đâu, nếu không muốn nói là phù phiếm. Khi đồng lương cho Ngô Bảo Châu không chịu chi đúng thì 651 tỉ kia liệu có chi đúng không? Khi 90% tiến sĩ đã bỏ ngành toán ra đi thì có thêm 70%  tiến sĩ để làm gì, hay là đổ tiền ra đào tạo để người ta tiếp tục bỏ?

Mới hay khi chữ tài chỉ là chữ để khoe chứ không phải chữ để dùng, chữ để loè chữ không phải chữ để trọng thì việc phấn đấu xếp thứ 40 thế giới thiết nghĩ cũng chẳng để làm gì. Khéo không 651 tỉ kia tóm lại chỉ thu về một chữ hão.

Nguồn: Quê Choa blog

———————–

Xem thêm:

Nguyên PTT Vũ Khoan ngẫm về thành quả của Ngô Bảo Châu

Vũ Khoan

“Trong niềm tự hào về Ngô Bảo Châu, bỗng nhiên tôi ngậm ngùi thấy nhiều em chỉ có thể thành danh ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển” – nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.

LTS: Sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Field, xác lập vị trí của toán học Việt Nam trên bản đồ toán học toàn cầu là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chung niềm vui này, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã xúc động gửi một bài viết tới Tuần Việt Nam, chia sẻ niềm vui cũng như một số mối băn khoăn trước những tồn tại của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Dưới đây là bài viết của ông.

Đúng vào ngày 19 tháng Tám, ngày nổ ra cuộc Cách mạng đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới thì chúng ta nhận được tin vui: Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Field, đưa toán học Việt Nam lên bản đồ toán học toàn cầu. Làm sao, chúng ta, những người Việt Nam không cảm thấy tự hào! Trong giờ phút đầy hào hứng ấy trong đầu tôi bỗng nảy sinh nhiều suy tư.

Ngoài tài năng bẩm sinh và truyền thống gia đình, cái gì đã làm nên “hiện tượng” Ngô Bảo Châu? Điều này nên được suy nghĩ một cách nghiêm túc khi sự hứng khởi ban đầu lắng xuống.

Muốn có nhân tài thì khâu đầu tiên là phải phát hiện và đào tạo nhân tài. Rất may là thế hệ các nhà lãnh đạo tiền bối, nhất là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các nhà khoa học đầu đàn như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… từ rất sớm, ngay trong ngọn lửa chiến tranh ác liệt đã đặt đúng vấn đề, từ đó đã đưa ra nhiều chủ trương mạnh mẽ, thiết thực chứ không chỉ nói chung chung để chọn ra và nuôi dưỡng “những con gà nòi”.

Các nhà lãnh đạo và bác học sáng suốt ấy đã phát hiện những “thế mạnh” có thực của con người Việt Nam là năng khiếu trừu tượng, kể cả trong toán học – một môn không cần phải đầu tư quá nhiều về cơ sở vật chất, thậm chí nói một cách hình tượng thì chỉ cần một mảnh giấy trắng và cây bút chì cũng có thể làm nên những phát minh lớn. Đến tận nay chúng ta vẫn loay hoay tranh cãi là nên ưu tiên khoa học cơ bản hay ứng dụng nhưng các vị ấy từ lâu đã thấy sự cần thiết phải chú trọng cả khoa học cơ bản –  nền tảng để đưa khoa học nước nhà chiếm lĩnh những đỉnh cao.

Có một hiện tượng rất đáng quan tâm là tại hầu hết các cuộc thi Olimpic quốc tế về các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh các em học sinh Việt Nam đều được giải cao song cũng chưa có ai thống kê xem trong số đó có bao nhiêu em thành đạt và thành danh; nguyên nhân vì sao? Ở đây có vấn đề lớn là môi trường làm việc để phát huy tài năng.

Ảnh BBC

Trong niềm tự hào về Ngô Bảo Châu, bỗng nhiên tôi ngậm ngùi thấy nhiều em chỉ có thể thành danh ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đương nhiên chúng ta không thể chạy đua với họ, nhất là về điều kiện vật chất song có nhiều chuyện ta có thể làm được ai cũng biết song không biết vì sao mãi không có sự thay đổi.

Nói gì thì nói, “có thực mới vực được đạo”, với đồng lương sau khi ra trường chỉ 1-2 triệu đồng, ngang bằng thu nhập của một người giúp việc gia đình thì không thể có được những nhân tài như Ngô Bảo Châu.

Đã đến lúc phải kiên quyết rũ bỏ tư tưởng bình quân chủ nghĩa còn ngự trị trong xã hội, kể cả trong số những người ra quyết sách để từ đó có những chính sách thật thỏa đáng nhằm trọng dụng nhân tài trên thực tế chứ không chỉ trên lời nói.

Thứ đến là sự trọng dụng công việc của họ. Không ít các nhà khoa học trẻ ở trong nước không được trọng dụng phải “tha phương cầu thực” kiếm nguồn tri thức và kế sinh nhai ở bên ngoài, qua đó đóng góp ít nhiều tiền “công đức” cho cơ sở nghiên cứu của mình tồn tại một cách leo lắt. Ngoài ra không khí làm việc tại các cơ sở nghiên cứu chưa thể nói là lý tưởng; những người đầu đàn cứ thưa dần cùng năm tháng.

Bên cạnh đó, ở trong nước thiếu tài liệu và phương tiện nghiên cứu; đặc biệt là không được cọ sát với các đồng nghiệp thì làm sao có thể bắt kịp được thiên hạ. Đó là chưa kể những thủ tục nhiêu khê chưa gỡ bỏ được hết và không đủ tiền bạc để ra nước ngoài tham gia các sinh hoạt khoa học.

Tóm lại “hiện tượng” Ngô Bảo Châu nhắc nhở chúng ta nhiều điều: phải có chính sách rõ ràng và biện pháp thiết thực để phát hiện và đào tạo nhân tài; phải trọng dụng họ và tạo mọi điều kiện tinh thần và vật chất để họ cống hiến; phải giúp họ cọ sát với khoa học thế giới và bao trùm lên cả là phải đổi mới mạnh mẽ chính sách giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ – những điều được coi là “quốc sách hàng đầu” nhưng còn ẩn chứa biết bao sự bất cập.

Mong rằng “hiện tượng” Ngô Bảo Châu không chỉ là niềm hứng khởi mà sẽ là cú hích thực sự đưa tới nhiều việc làm thiết thực, cụ thể để đưa đất nước sánh vai cùng bạn bè năm châu!

Nguồn: TVN