Trình độ Dân trí: “Vô” dân, thảo dân và công dân


GS Châu là nhà toán học, nhưng ông hoàn toàn mang trách nhiệm của công dân, tại sao ai đó lại có quyền bảo rằng, ông không nên bàn đến chính trị thì tốt hơn? Chẳng lẽ nghệ sĩ cũng chỉ được nói về nghệ thuật, ca sĩ chỉ được hát, con buôn chỉ được nói về hàng họ, còn nhà băng chỉ được nói về tiền? Còn chính trị thì giành cho mấy ông chính quyền phường xã? Quốc gia là của chung! Lập hiến cũng là của chung! Dân chủ, Cộng hòa chính là cách thực hiện mọi người đều có quyền và trách nhiệm chính trị.

Nguyễn Hoàng Đức

Muốn xây dựng quốc gia cộng hòa mang nội dung xã hội dân chủ thì rất cần nâng cao trình độ dân trí của nhân dân. Đây là một điều hiển nhiên không thể nghĩ khác được, bởi lẽ xã hội dân chủ, tức nhân dân có khả năng tự chủ và làm chủ quốc gia của mình thì dứt khoát người ta phải đạt đến trình độ của công dân pháp luật.

Nói kỹ hơn, đó là công dân đủ trình độ và trách nhiệm tham gia quá trình lập hiến, lập hiến không phải thứ sáo mép cho vui, mà sau đó chính người dân sẽ tự giác tham dự liên đới vào trong việc thực thi pháp luật. Đã là công dân thì dứt khoát phải vượt lên thứ thảo dân thấp cổ bé họng bị coi như nô tài cỏ rác thời phong kiến. Và thảo dân thì phải vượt qua giai đoạn “vô” dân.

1- “Vô” dân:

Người Trung Quốc và Việt Nam trước kia có lệ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là: sinh một nam thì ghi là có, sinh mười nữ thì viết chữ không. Trong các gia phả của nhiều dòng họ, thấy ghi chép các chi đều thuộc về con trai, còn con gái thì không được mở đầu cho chi họ. Người Trung Quốc dùng rất nhiều lời để sắp đặt địa vị của quần chúng. Nhiều người còn gọi quần chúng là đám vô lại. Vô lại là gì? Là những kẻ vô danh không cần gặp lại. Và họ giành khá nhiều thời gian để bàn kỹ lưỡng về việc này. Có tác giả cho rằng: vô lại là bất hạnh lớn nhất của con người, bởi vì một tiếng hét vào vách núi còn có âm thanh vọng lại, nhưng kẻ vô lại như bọt bèo trôi nổi trên sông, chẳng để lại bất kỳ dấu vết nào để lưu danh thiên cổ, thật là vô nghĩa! Người ta còn bảo: “cọp chết để lại da, người chết để lại danh tiếng”.

Một số học giả Phương Tây thì coi quần chúng chỉ là những dãy số không, chỉ khi có vĩ nhân hay người cầm đầu là số nguyên ở phía trước mới làm cho dãy số không có giá trị. Và người ta cũng bảo: lịch sử dù có đảo lộn càn khôn thế nào, thì chỉ được ghi chép bấu vào mấy cá nhân, còn đám quần chúng vô danh lúc nào cũng có, chẳng thể để lại tên tuổi cho lịch sử. Một nhà độc tài Nga còn nói thẳng thừng: quần chúng ư, đó chỉ là con số thống kê. Chẳng hạn, trận đánh bom đã có bao nhiêu người chết, trận lụt có bao nhiêu người trôi sông, và ở thành phố kia có bao nhiêu kẻ ủng hộ hay chống báng ta… “vô” dân đó là một từ được dùng lịch sự, nhưng chính xác cụ thể hơn, đó là thứ nhân dân vừa không có quyền hành gì nhưng lại vừa không đủ trình độ tự giác để xây nên tính cách và số phận không thể xem thường của mình, đã bị coi như là vô lại.

2- Thảo dân

Thảo nghĩa đen là cây cỏ, có thể thảo dân là thứ bị coi nhẹ như cây cỏ. Với đặc thù xã hội tam nông chủ yếu là nông dân ở phương Đông, nên có thể coi thảo dân là nông dân. Khổng Tử có câu: “Hương nguyện đức chi tặc giã”, nghĩa là: người nhà quê là hại đức. Trong các tác phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là Tây Du Ký hay Tam quốc, cứ kẻ nào thô lậu như Trư Bát Giới chẳng hạn thì đều bị quở là “đồ quê mùa”. Người nhà quê có thể thật thà chất phác, nhưng đó là lòng tốt còn ở trình độ thấp, nó chưa thể vươn tới cái tốt của lương tri. Trong từ lương tri thì có nghĩa là: lương tâm của người ta phải bao hàm tri thức. Trình độ thảo dân nói chung là thấp cổ bé họng, bảo sao nghe vậy, chưa thể đạt tới trình độ công dân để làm chủ quốc gia pháp luật.

3- Công dân

Công dân có từ gốc Latin là “Citizen”, được khởi nguồn từ chữ “city” nghĩa là thành phố. Từ này mới đầu được dịch đúng nghĩa là “Thị dân” tức người thành thị. Người Thành thị có đặc điểm gì? Ở thành phố thường có các hệ thốnng cấp nước, thoát nước, rồi hệ thống đường phố, giao thông, thương mại… chính vì sống trong các hệ thống qui củ, nên người thành phố cũng có trình độ của hệ thống, qui củ, trật tự ngăn nắp hơn. Đây cũng chính là đặc tính của lý trí. Có một định nghĩa xuyên suốt rằng: Quốc gia, đó là một tổ chức của lý trí. Chính các thị dân là những người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng thành phố cũng như quốc gia. Trái lại, các nông dân thì sống vô tư tùy tiện hơn, vì ở chốn đồng không mông quạnh người ta có thể thỏa sức làm theo ý mình mà không cần để ý đến tính hệ thống.

Sau khi các thành thị đã phát triển ồ ạt, lại thêm người ta không muốn dùng từ “thị dân” nghe có vẻ kỳ thị phân biệt giữa người quê và người tỉnh, nên đã chuyển nghĩa ý của từ thị dân thành Công dân.

Người Trung Quốc rất phân biệt người thượng lưu có học và người hạ tiện vô học. Người ta gọi, những ai sống tùy tiện, thoát khỏi mọi ràng buộc của gia pháp, tông pháp và quốc pháp, sống thả nổi theo cảm xúc được chăng hay chớ của mình là tiện dân, tức sống tùy tiện, và cũng bị gọi là đám hạ tiện. Còn người đáng kính thì phải “vua không được nói chơi”, hay “nhất ngôn cửu đỉnh” – một lời nói nặng tựa chín đỉnh, hoặc “nhất ngôn xuất ký tứ mã nan truy” – tức một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi. Như vậy, ngôn ngữ là cái thể hiện trí tuệ và làm nên giá trị con người.

Người Việt cũng thật coi trọng và đề cao chữ nghĩa như chính sinh mệnh của mình “lời nói đọi máu”. Và người Việt bảo: “nói có sách mách có chứng”, cũng có nghĩa là, người có học thì phải nói có sách, bởi vì anh đã học qua sách vở cơ mà, nếu anh nói không có sách tức là nói tùy tiện. Nói tùy tiện thì có phải đám hạ tiện không?! Người Việt hiện đại có câu “đừng nghe ca-ve kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bày”… nói không có sách khác nào đám ca-ve và nghiện nói chẳng có sở cứ nào cả. Ở Âu Mỹ cũng vậy, khi các giáo sư xem công trình khoa học của học trò, việc đầu tiên người ta nhìn vào thư mục tham khảo xem anh đã đọc những đầu sách nào, họ bảo : trí tuệ của cá nhân thì có gì đáng kể đâu, cái chính là xem họ đã lĩnh hội và đứng trên vai những người khác như thế nào.

Mới đây, có vô vàn các comments bàn về bài cực ngắn “về sự sợ hãi” của giáo sư Ngô Bảo Châu, có một số bài mực thước trọng thị, nhưng có vô số các bài gọi là ném rác và ném đá vào blog của GS Châu, đến mức giáo sư phải đóng cửa blog. Những bài đó có bao nhiêu sở cứ được bày ra? Hay là nói tùy tiện văng mạng? Sở cứ thì chưa thấy đâu, nhưng có những người còn đặt câu hỏi giải Fields toán học đâu có phải giải hàng đầu thế giới? Vậy thi nó là giải thứ mấy, sao không thấy những người này nêu ra?

Người Trung Quốc có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là : hơn một chữ cũng là thầy, hơn nửa chữ cũng là thầy, GS Châu rõ ràng đã đạt được giải toán học quốc tế chính thức mà chưa người Việt nào có được, mà không rõ những người này trình độ cỡ nào lại bảo: ông ta không phải là thầy của tôi.

Người tài ở Việt Nam có bao nhiêu, chắc cũng không khó đánh giá. Ngành văn học chẳng hạn, người ta đã thừa nhận không có tác phẩm lớn, ngành điện ảnh thì đì đẹt, ngành báo chí thì có bao nhiêu lên mặt chữ hết, còn tài năng nào xuất chúng trong những người commets xả rác xin nêu lên, nêu cả tài năng và học vấn nữa cho chúng ta được mở tầm mắt với. Ai đó dám chấp nhận người khác thì mới đến lượt mình được chấp nhận. Tôi một nghìn phần trăm tin rằng, nhưng kẻ từ chối giáo sư Ngô Bảo Châu là một bậc thầy của dân tộc cho dù đã được thế giới công nhận chỉ là thứ võ vẽ mớ chữ hạ tiện, không có bất cứ cơ hội nào để trở thành cái gì ra hồn cả. tôi sẵn sàng đối mặt chứng minh điều này cho dù phía trước là cả vạn người. Có câu “ngu dân bách vạn vị chi vô dân”, người ngu cả ngàn vạn coi như không có. Người ta có câu: “Quân tử đấu lời, tiểu nhân đấu chân tay”, nếu ai có lý sự thì mời nêu lên đừng ào ào kêu la không nội dung gì cụ thể nghe hạ cấp lắm. Nếu tôi sai, xin sẵn sàng xin lỗi, không chỉ xin lỗi đầu môi chót lưỡi mà xin lỗi bằng cả “hệ thống” học hành giáo dưỡng của tôi.

Có một câu chuyện đại khái rằng: có bốn ông kia, ngồi vui, làm mỗi người một câu tứ tuyệt. Ông thứ năm liền bình hay dở. Bốn ông kia liền bảo: “Thôi mà bác, bài thơ có bốn câu đáng kể gì, bác thấy nó không hay thì xin làm ngay một bài mới hay hơn đi!” Ông kia liền tịt ngóm. Câu chuyện muốn nói giữa lời nói và việc làm xa nhau lắm. Bây giờ qua cái bài cực ngắn của Ngô Bảo Châu, xin những ai chê bai thử viết một bài mới hay hơn đi. Tôi tin chắc hầu như các vị chê bai không viết nổi một nửa cái hay như vậy. Nhưng tôi vẫn xin mời các vị viết lại xem.

GS Châu là nhà toán học, nhưng ông hoàn toàn mang trách nhiệm của công dân, tại sao ai đó lại có quyền bảo rằng, ông không nên bàn đến chính trị thì tốt hơn? Chẳng lẽ nghệ sĩ cũng chỉ được nói về nghệ thuật, ca sĩ chỉ được hát, con buôn chỉ được nói về hàng họ, còn nhà băng chỉ được nói về tiền? Còn chính trị thì giành cho mấy ông chính quyền phường xã? Quốc gia là của chung! Lập hiến cũng là của chung! Dân chủ, Cộng hòa chính là cách thực hiện mọi người đều có quyền và trách nhiệm chính trị. Một ý kiến kém cỏi thiếu chính đáng như vậy mà người ta cũng có thể nêu lên.

Để hiểu dân trí, xã hội người phương Tây hay làm các cuộc thăm dò “sondage”, vậy tôi cũng xin được mở một cuộc thăm dò:

1- Ai comment không có sở cứ hay sách vở gì thì được xếp vào hạng tùy tiện.
2- Ai thành thật với cảm xúc của mình, nhạt thì bảo nhạt, mặn thì bảo mặn là thảo dân chất phác.
3- Ai đưa ra sở cứ đề đối chiếu so sánh hoặc trao đổi thì là công dân trí thức.

Có thể ai đó, có một cuộc thăm dò khác xin cứ đưa ra, nếu nó hay hơn chúng ta sẽ cùng tham dự. Xin mời và xin thỉnh thị.

Chuyện bàn thêm: Sau hai bài viết của tôi, có một anh bạn tìm đến tận nhà, anh có nói: Bây giờ hiện đại, không chỉ có logic hình thức nữa, không chỉ có hoặc A hoặc B, mà còn có siêu logic, chúng ta cần biết chấp nhận cả những cái khác, không thể khử tam, mà phải chấp nhận tam, hơn thế phải biết chấp chung, nghĩa là chấp nhận tất cả những gì khác.

Tôi cho rằng đó là ý kiến mặt trận thì đúng hơn, ở ngoài đời chúng ta có thể bao dung tất cả nhưng trong phép logic thì không thể. Còn cái siêu logic ư, tôi không hiểu. Nhưng tôi chỉ tin những gì “bút sa gà chết”, còn lời nói gió bay thì không thể tin. Người Trung Quốc có câu “vẽ chó thì khó vì ai cũng biết nên vẽ không đúng thì lộ tẩy liền, còn vẽ ma thì dễ vì chưa ai nhìn thấy ma nên vẽ thế nào cũng được”.

Có thể tôi trình bày chưa đúng nội dung của anh bạn này, tôi chưa nói tên anh để chúng ta có sự đón chờ hồi hộp, nhưng anh đã hẹn sẽ viết bài tiểu luận về siêu logic và những vấn đề khác nữa, anh ta sẽ trình bày cụ thể để chúng ta được biết sau. Xin mời anh bạn hãy viết bài về siêu logic để khai nhãn cho tôi và để tôi được đối thoại. Tôi rất mong đợi! Trong trường hợp anh im lặng, thì nên hiểu là anh cao đạo hay “siêu logic” chỉ là cái gì xảo ngôn?

Xin cám ơn mọi người!

Nguồn: Chúng Ta

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Trình độ Dân trí: “Vô” dân, thảo dân và công dân

  1. Bài này phải đọc kỹ, nếu không rất dễ lâm vào ma trận logic bùng nhùng của tác giả. Miệng thì la “nói có sách, mách có chứng”, mà sao suy diễn hàm hồ, tùy tiện quá! Đơn cử, cái câu giải nghĩa “Vô lại nghĩa là những kẻ vô danh không cần gặp lại” là do tác giả lấy từ “sách” nào vậy? Sao không thấy dẫn ra cho bà con tỏ? Nói tùy tiện thế có sợ bị coi là kẻ “hạ tiện” không vậy? Cứ theo cái cách lý giải này thì “quan lại” nghĩa là những kẻ làm quan không cần gặp lại?

    Có một cách lý giải khác: “vô” là “không”, “lại” là từ đọc chệch đi của từ “lợi” (lợi ích). Như vậy, “vô lại” dùng để nói đến những người không có ích lợi gì cho ai (giống “đồ vô tích sự”).

    Còn một điểm nữa là cái quan điểm của tác giả về sách vở. Sách do ai viết? Do người viết. Người viết sách dựa vào đâu? Dựa vào sách khác của người khác nữa à? Những người lôi sách vở chữ nghĩa ra mà đấu lý với nhau, cẩn thận không khéo lại trở thành “lính đánh thuê”, thành một đám “chữ nghĩa bầy nhầy”, vì các vị chỉ biết dùng quan điểm của người khác mà bảo vệ ý kiến của mình. Vả chăng, Don Ki-hô-tê chẳng phải vì đọc quá nhiều sách truyện kiếm hiệp mà cả đời sống trong ảo tưởng, tới cuối đời mới nhận ra sai lầm và cho đốt hết đống sách của mình đi đấy sao?

    “Có một câu chuyện đại khái rằng: có bốn ông kia, ngồi vui, làm mỗi người một câu tứ tuyệt. Ông thứ năm liền bình hay dở. Bốn ông kia liền bảo: “Thôi mà bác, bài thơ có bốn câu đáng kể gì, bác thấy nó không hay thì xin làm ngay một bài mới hay hơn đi!”

    —> Đây là một lập luận cùn. Nói như tác giả thì những nhà phê bình văn học, phê bình điện ảnh,…. là cả một đám vứt đi hay sao?

    Chẳng cần vạch lá tìm sâu, bài này cũng nhan nhản những lỗi!

  2. Tôi trân trọng ý kiến của tác giả Nguyễn Hoàng Đức. Chỉ xin có một góp ý nhỏ:

    Việc tác giả dùng cụm từ “… giáo sư Ngô Bảo Châu là bậc thầy của dân tộc…” có thể khiến người đọc liên tưởng tới cụm từ “Cha Già dân tộc”, một cụm từ được sử dụng quá nhiều trước đây, gây cảm giác về sự sáo mòn/công thức.
    Tôi nghĩ nói như sau đây thì đúng hơn, chừng mực hơn: Giáo sư Ngô Bảo Châu là bậc thầy trong lĩnh vực toán học, có lẽ người nào muốn trở thành một nhà toán học thì đều phải biết học theo vị giáo sư nổi tiếng này.

    Vì sao tôi lại “hạ” giáo sư xuống một bậc như vậy? Đó là vì:

    Ai cũng biết đời sống của một dân tộc có muôn vàn phương diện, muôn vàn vấn đề cần giải quyết. Xây dựng nền Toán học cho nước nhà chỉ là một trong rất nhiều việc phải làm chứ không phải là việc quan trọng nhất hay duy nhất quan trọng. Cũng không một người tỉnh táo nào nghĩ rằng với tài năng của giáo sư Ngô Bảo Châu, với một nền toán học ngang tầm thời đại(giả dụ như vậy), dân tộc Việt Nam sẽ được sung sướng hạnh phúc nhất thế giới.

    Vì chỉ riêng ngành Toán học không thôi thì không thể giải quyết được các vấn nạn như : tham nhũng, quan liêu, ô nhiễm môi trường, tệ nạn mại dâm ma túy, bạo lực gia đình và học đường, buôn thần bán thánh, thu hồi đất đai tràn lan, lãng phí tiền bạc và tài nguyên quốc gia, xuất khẩu nguyên liệu thô ra nước ngoài, buôn bán thuốc tây giả, bác sĩ làm giàu trên nỗi đau của người bệnh …

    Với một xã hội còn ngổn ngang bao vấn nạn như thế thì dẫu dân tộc này có cả ngàn Giáo Sư Ngô Bảo Châu cũng chưa chắc đã thoát được nghèo đói bất công.
    Do đó xin đề nghị hãy tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu sao cho đúng với đóng góp của ông, không nên nói quá lên là “bậc thầy của dân tộc”.

    Tôi tin rằng giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ rất khó chịu khi người ta gọi ông là “bậc thầy của dân tộc”
    Xin cám ơn quý độc giả đọc mấy giòng này

  3. * Vô lại: “Là những kẻ vô danh không cần gặp lại” (!), sao tui học: “vô lại” là những kẻ không mang được lợi lộc gì trên đời này, ý chỉ kẻ lêu lổng, làm hại xã hội và người khác…
    *Thảo dân: là tiếng tự xưng hàm ý khiêm tốn, hạ mình chứ có ai gọi dân “thường” là thảo dân bao giờ.
    * Hai ý trên tự dưng nghi ngờ cái từ “công dân” là từ citizen -> city (thành thị) -> thị dân.
    * Từ nguyên không chuẩn e ý tứ phân tích khó mà thuyết phục.

    Trân trọng.

Bình luận đã được đóng.