Về sự cãi ngẳng và lý điềm


Những lý sự kiểu ấy không thuyết phục được ai, chỉ tổ gây tranh cãi  và bực mình. Cho nên học theo gs Ngô Bảo Châu, tui cũng nói như ri: không thể lấy sự cãi ngẳng và lý điềm làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Nguyễn Quang Lập

Ở quê tui, người ta gọi sự cãi liều cãi lấy được là cãi ngẳng. Người cãi ngẳng thường có những lý lẽ bất chấp logic của vấn đề, không thèm để ý đến lý lẽ của đối phương, hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trẳng thay đen lý lẽ của đối phương để chụp mũ đối phương, lý lẽ ấy gọi là lý điềm.

Ví dụ trong bài “Về sự sợ hãi” của gs Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Gs Châu đã viết:”Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”  Trong đoạn này gs Châu đã khẳng định hai điểm, một là ở phiên tòa CHHV đã không hề sợ hãi, hai là CHHV giống Hector,Turnus hay Kinh Kha ở đặc điểm: “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”. Muốn cãi lại gs Châu để  khẳng định gs ngộ nhận thì phải chứng minh được hai điểm: một là thực ra ở phiên tòa CHHV đã  rất hèn nhát, hai là khác với Hector,Turnus hay Kinh Kha, CHHV đã sợ hãi “khi đối diện với số phận của mình”. Rứa mới gọi là cãi.

Nhưng chứng minh được hai điểm đó là chuyện không thể. Vì thế, để cãi lấy được lý lẽ của gs Châu, ông ( bà) Quý Thanh, tác giả bài: ” Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu“, buộc phải đánh tráo khái niệm, tháu cáy lý lẽ. Trong khi Ngô Bảo Châu nói về sự sợ hãi thì Quý Thanh lại luận anh hùng; trong  khi Ngô Bảo Châu so sánh CHHV với các anh hùng kia  chỉ ở một đặc điểm “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình” thì Quý Thanh cố chụp mũ gs “đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.”

Ngay cả khi chụp mũ như vậy, Quý Thanh cũng phải bàn đến điều mà gs Châu nói đến là khí phách của CHHV ở phiên tòa, liệu khí phách ấy có xứng đáng khí phách của  người anh hùng hay không, có so được khí phách anh hùng của các vị anh hùng đã nói hay không. Rứa mới phải nhẽ. Đằng này Quý Thanh  đã không hề nhắc lại khí phách ấy, cố tình lờ đi khí phách ấy khi luận về sự so sánh CHHV với các vị hành hùng kia. Nếu đã thích luận so sánh như vậy, Quý Thanh cũng phải luận về những hành động của CHHV dẫn đến tù tội có đáng được coi là hành động anh hùng hay không, đằng này Quý Thanh lại lôi chuyện đời tư của CHHV ra để chỉ trích, những chuyện chẳng ai biết thực hư  phải quấy ra sao. Khác gì khi người ta đang khen sự can đảm của một người thì lại khăng khăng bảo rằng trong người kẻ ấy có hắc lào.

Những lý sự kiểu ấy không thuyết phục được ai, chỉ tổ gây tranh cãi  và bực mình. Cho nên học theo gs Ngô Bảo Châu, tui cũng nói như ri: không thể lấy sự cãi ngẳng và lý điềm làm phương pháp bảo vệ chế độ.
Rứa đo rứa đo.

Nguồn: Quê Choa blog

—————–

Về một bài viết xa lạ với nghề báo

Bùi Quang Minh

Tôi đi chợ mua “đồ ăn tinh thần” hôm nay, một ngày nóng nực, oi bức. Dẫu món ăn quá thiu thối, nhưng cũng là món độc hiếm, mấy tháng nay mới thấy trên báo chí có một món vừa nhắc tới trí thức trong tù Cù Huy Hà Vũ, vừa nhắc đến trí thức ngoài tù Ngô Bảo Châu như vậy. Có lẽ nó chỉ thơm, tươi, ngon… với người ăn sẵn, ăn thụ động, lười suy nghĩ, cơ hội và tăm tối. Tôi thay mặt họ cũng xin cảm tạ người đã cấy trồng, lao động cật lực, nấu nướng mãi mấy tháng mới cho ra những món ăn tinh thần giá bèo của thời lạm phát này. Nhưng do món hôm nay quá ôi thiugây xáo trộn, bí bách tinh thần không thể chịu được nữa, nên xin phép trình bày ý kiến của mình.

Luật gia Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Quý Thanh… tất cả các anh đều là những người trí thức, ở các hạng khác nhau (viết vì tiền, viết vì quyền, viết vì trách nhiệm…), đều đã cung cấp cho tôi những món ăn đủ mọi mùi vị, độ ngon của các anh. Nhưng món người trí thức dấn thân, của người công dân đau đáu vì đất nước, của con người văn minh, có văn hóa thì không thể thiu thối ngay sau khi viết ra được, dù tiết trời có nóng nực…

Dưới khía cạnh làm người trí thức chân chính, Quý Thanh đã thất bại thảm hại, bởi anh không đi đến cùng các giá trị chân chính cộng đồng như sự thật, công lý dùng để đánh giá và tôn vinh. Dưới khía cạnh đả kích cá nhân, làm theo nhiệm vụ, viết để tuyên truyền, Quý Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ ở mức nghiệp vụ trung bình với sự tận dụng dăm ba chuyện đời tư nhặt nhạnh chưa được kiểm chứng và đồn thổi để đăng tải công khai trên báo chí một chiều.

Báo chí thêm một lần nữa có thêm bài viết của nhà báo Quý Thanh cùng phương pháp “dưới thắt lưng”, “chụp mũ”, cảm tính nông cạn làm cho tôi thấy lời của nhà báo bậc thầy Phan Khôi, viết năm 1936 quá đúng: “Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo”*), hay nói chính xác hơn lời của GS Ngô Bảo Châu ngày nay: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia cũng khó mà làm hơn“.

Nguồn: Chúng Ta

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Về sự cãi ngẳng và lý điềm

  1. Một nhà báo như Quý Thanh mà bài viết không chặt chẽ không có cơ sở không kiểm chứng kể cả về mặt logic cũng không có vậy mà báo An ninh dám cho đăng kể cũng đáng nể báo quốc doanh. Ếch ngồi đáy giếng mà cứ tưởng đang ở trên cung trăng. Nhà báo Quý Thanh ơi, nếu còn có một tí chút danh dự để cho con cháu của nhà báo không bị nhục thì nên về hưu thôi, kính chúc nhà báo mạnh khỏe.

Bình luận đã được đóng.