Trung Quốc trỗi dậy: đống nguy cơ hay rổ cơ hội?


“Việc Trung Quốc đang ngày một mạnh lên vừa là một đống nguy cơ, cũng là một rổ cơ hội” – GS MIT Edward Steinfeld nhìn nhận.

>> Người tài sẽ về khi thấy có phần trong sự phát triển đất nước

Tạo sức ép, bắt cạnh tranh

– Tôi nhận thấy có một khái niệm thú vị mà ông dùng trong cuốn sách là “institutional outsourcing” (thuê ngoài thể chế). Khái niệm này còn rất mới đối với Việt Nam. Ông có thể giải thích rõ hơn về thuật ngữ này?

Có thể thấy nhiều công ty quốc tế hiện nay đang thuê ngoài nhiều khâu trong quá trình sản xuất và vận hành của họ ở nhiều nước khác nhau, trong đó đương nhiên có Trung Quốc. Có thể không quá giống nhau, nhưng tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp nước này cũng đang thuê ngoài những yếu tố, chức năng quan trọng nhất. Tôi biết là trong chính phủ Trung Quốc không ai sử dụng thuật ngữ này, họ không tự gọi những việc mình đang làm theo cách đó, nhưng tôi nghĩ thuật ngữ đó phản ánh đúng thực chất.

Ví dụ điển hình là những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp ở các công ty quốc doanh. 15, 20 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng áp dụng nhiều hình thức cải cách quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước nhưng không thành công. Họ đã thử ký hợp đồng với các giám đốc, thử hệ thống thuế mới đối với các công ty nhưng dường như không gì có thể làm cho các công ty nhà nước thay đổi. Nhưng khi nhà nước buộc các công ty này niêm yết trên các thị trường chứng khoán nước ngoài, như ở Hongkong hay New York, đã có những thay đổi đến không ngờ.

Những công ty này đã cảm thấy áp lực, họ cảm thấy bị các công ty nước ngoài có cùng quy mô cạnh tranh rất khốc liệt và họ phải tuân theo các quy tắc báo cáo tài chính của các thị trường chứng khoán lớn. Vì họ đã niêm yết nên giờ họ có số có má, các công ty nước ngoài tìm đến để thương thảo. Ban đầu các công ty Trung Quốc không biết phải làm gì và trở nên ngày càng phụ thuộc vào các thể chế nước ngoài như các ngân hàng, các công ty tư vấn, mà các thế chế này thì luôn đòi hỏi mức độ minh bạch rất cao.

GS. Edward Steinfeld. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng các thể chế nước ngoài này có thể giúp giải quyết tất cả các vấn đề của Trung Quốc nhưng họ đóng vai trò rất tích cực đối với các công ty khi thúc đẩy họ phải minh bạch hơn, khiến lãnh đạo các công ty này phải hành động giống các doanh nhân hơn là các quan chức, tạo cho các lãnh đạo này không gian để đổi mới, điều này vừa sôi động, vừa đáng sợ và căng thẳng đối với các công ty Trung Quốc.

Tình hình khiến các lãnh đạo doanh nghiệp này nảy sinh ý thức phải tìm đến sự giúp đỡ của các tài năng, những người có kinh nghiệm kinh doanh với nước ngoài, những người có bằng MBA hoặc PhD hoặc cao hơn, nhưng quan trọng là có kinh nghiệm. Và thế là những tổ chức mang nặng tính truyền thống nhất đã phải kéo những nhân tài này về cho những vị trí quản trị cao nhất, từ các công ty nước ngoài ở Mỹ hoặc châu Âu. 20 năm trước chắc chắn không có chuyện đó, nhưng giờ đó là chuyện thường ngày.

Làn sóng hàng giá rẻ chất lượng thấp – đáng ghét nhưng có bài học

– Hiện nay Trung Quốc đang xuất khẩu hàng hoá chất lượng thấp sang các nước trong khu vực và các nước thu nhập nhấp. Theo ông tại sao họ lại làm vậy và sẽ có những ảnh hưởng gì đối với các nước nhập khẩu, đa phần là các nước chưa phát triển lắm?

Ở Trung Quốc có ít nhất hai loại hình kinh tế, từ đó có thể nghĩ đến hai loại doanh nghiệp khác nhau. Ở Trung Quốc có rất nhiều công ty bản xứ, quốc doanh hoặc tư nhân, sản xuất những thiết kế giản tiện và tốn ít chi phí. Ngay ở Việt Nam chúng ta cũng có thể thấy rất nhiều xe máy rẻ tiền và chất lượng thấp. Nhưng các công ty này ở trong một môi trường cạnh tranh rất cao, kiếm tiền rất khó nên luôn phải hạ giá bán.

Nhưng có một kiểu doanh nghiệp khác như tôi đã miêu tả, họ cũng đơn giản hoá các thiết kế nhưng tập trung ưu tiên cho một vài thiết kế nhất định. Họ có thể làm như vậy một cách nghiêm túc vì họ muốn sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và nhắm đến thị trường thế giới chứ không chỉ là thị trường Mỹ và châu Âu. Đây thường là các công ty nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là, chính phủ Trung Quốc luôn công khai nhấn mạnh đổi mới với các công ty địa phương, nhưng thực tế là có rất ít cải cách trong khu vực này, thay vào đó lại xảy ra ở các công ty có yếu tố nước ngoài đang sử dụng các nhân tài người Trung Quốc. Nhưng chính phủ cũng rất thoải mái với việc này, họ thấy không có lý do gì ngăn cấm, thậm chí còn đổ tiền đào tạo nhân tài để họ vào làm cho các công ty cao cấp. Có lẽ chính phủ mong rằng sau khi học hỏi những tiến bộ ở các công ty nước ngoài, các nhân tài này sẽ rời khỏi đó và đến với các công ty địa phương. Tôi khá ấn tượng với việc hệ thống này sẵn sàng cho phép sự đầu tư nước ngoài vào đổi mới, đôi lúc khó kiểm soát này.

Đối với các quốc gia đang phát triển đang chứng kiến dòng chảy hàng hoá ồ ạt từ Trung Quốc, tôi không biết câu trả lời về mặt chính sách nên như thế nào, nhưng tôi tin rằng cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều có thể học được một bài học quan trọng về việc đào tạo các nhân tài cho lĩnh vực kinh tế cao cấp.

Đây không phải chuyện Trung Quốc đã vận hành nền công nghiệp như thế nào, mà là chuyện họ kiếm tiền ra sao. Tiền kiếm được là nhờ nền kinh tế có sự gắn bó giữa sản xuất và đào tạo. Vì vậy, để có được sự phát triển của thành phần kinh tế bản địa, các trường đại học bản địa phải sản xuất được nhân tài cho địa phương. Ở Trung Quốc, điều này không hề xảy ra ở những năm 1980, 1990, nhưng đang xảy ra bây giờ trong một làn sóng lớn do xã hội đòi hỏi.

Thay đổi luật chơi bên trong, thích ứng luật chơi bên ngoài

– Trong sách ông có nhấn mạnh là Trung Quốc không tạo ra luật mới mà tuân theo luật của thế giới. Theo ông nó ảnh hưởng thế nào đến đời sống chính trị kinh tế xã hội trong nước?

Trung Quốc tuân theo luật lệ chung nhưng cũng có những xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước khác ở các cấp độ vi mô, mà khó có thể nói là do nước nào không theo luật. Nhưng có thể nói là Trung Quốc tuân theo luật chơi, ví dụ như trong khuôn khổ WTO. Vậy nó đã thay đổi nội bộ đất nước này như thế nào?

Việc gia nhập WTO là một sự kiện đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Trong 13 năm đàm phán để gia nhập WTO, Trung Quốc luôn kiên định lập trường về ưu đãi có tính bảo hộ đối với nhiều ngành mà Mỹ và các nước khác kiên quyết từ chối. Nhưng sau 13 năm, Trung Quốc thay đổi lập trường, khiến không những người Mỹ mà cả những người Trung Quốc trong các ngành công nghiệp truyền thống ngạc nhiên. Họ không được chuẩn bị tinh thần và phản đối nguy cơ về những cạnh tranh đến từ bên ngoài.

Nhưng Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ lúc bấy giờ đã dùng việc gia nhập WTO làm công cụ để phá vỡ vị thế chính trị của các ngành công nghiệp truyền thống. Không phải ông ấy muốn phá bỏ sự sở hữu của họ, mà là muốn phá bỏ sự bảo hộ và bao cấp. Từ năm 1999 đến 2001, sau những cuộc đàm phán gia nhập kéo dài, Thủ thướng đã loại bỏ Bộ Công nghiệp, thế là các công ty mất đi địa chỉ lobby quan trọng nhất của họ trong chính phủ. Và họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải cạnh tranh.

Việc loại bỏ bộ này cùng với việc các nguồn lực đến được với khu vực tư nhân cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thay đổi quy tắc bên trong cho phù hợp với quy tắc bên ngoài. Và khi các công ty không còn dựa được vào các bộ ngành và phải cạnh tranh để giành nhân tài, họ cũng tạo ra những thay đổi trong xã hội.

– Vậy trong quá trình hội nhập, đâu là lực cản lớn nhất trong nước đối với sự phát triển và thích nghi của Trung Quốc với thế giới?

Tôi không nghĩ là có nước nào, dù kinh tế có phức tạp đến đâu, lại lên kế hoạch và tuân theo kế hoạch để phát triển. Nhưng ở Trung Quốc đã từng có kiểu cách lên kế hoạch cho mọi việc và làm theo kế hoạch. Nhưng giờ không còn thế nữa, thay vào đó nền kinh tế và hệ thống chính trị phải đối mặt với những thách thức mới nảy sinh, tìm hiểu và tìm cách đối phó.

Ví dụ với việc gia nhập WTO, nhiều công ty nhà nước đã phản đối việc cạnh tranh. Việc cạnh tranh này đã dẫn đến việc hàng triệu công nhân mất việc mà không có đảm bảo xã hội nào. Chính phủ Trung Quốc không còn cách nào khác là khuyến khích khu vực tư nhân để có nguồn tiếp nhận số nhân công thất nghiệp này, đồng thời gấp rút xây dựng các chính sách đảm bảo an sinh xã hội mà họ còn chưa làm tốt.

Hơn thế nữa, bằng việc cho phép sự cạnh tranh thực sự và cho phép giới tinh hoa có thể được đào tạo và vào làm việc cho các công ty lớn, chính phủ đã cho phép sự bất bình đẳng lớn xảy ra trong xã hội về thu nhập, về tài sản, và tạo ra rất nhiều vấn đề. Nó cũng đặt ra những thách thức đối với việc hoạch định chính sách, đặc biệt với dân số nông thôn quá đông.

Trước đây chính phủ Trung Quốc rất miễn cưỡng cho phép việc di cư từ nông thôn lên thành thị. Nông dân vẫn tràn ra thành phố làm việc nhưng họ không được hưởng các chế độ về an sinh, giáo dục, y tế. Đồng thời, chính phủ cũng miễn cưỡng trong việc cho phép nông dân có quyền sở hữu và quyền quyết định đối với đất đai. Giờ đây, khi mà sự bất bình đẳng gia tăng một cách đáng ngại, chính phủ buộc phải hợp pháp hoá dòng lưu chuyển lao động này cũng như hợp pháp hoá các quyền liên quan đến đất đai.

Và ngay trong chính quyền, trong hệ thống chính trị hiện nay chúng ta cũng có thể thấy nhiều tiếng nói công khai và tiến bộ đòi hỏi sự thay đổi. Gần đây, một số nhà báo, có cả những nhà báo của các tờ báo nhà nước lớn, kêu gọi phải có sự cải cách trong chế độ hộ khẩu và sở hữu nhà. Họ rõ ràng không phải những người chống đối hay biểu tình, họ là các nhà báo với nhiệm vụ phải phát ngôn chính thức. Nhưng họ cũng không ngốc và họ tự tin rằng có thể lên tiếng để thúc đẩy những thay đổi trong nội bộ hệ thống chính trị, vì đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng và chính phủ cần phải đối mặt với nó.

“Trung Quốc hướng nội”

– Theo truyền thống, người Trung Quốc luôn tự coi mình là trung tâm thế giới, vua là con trời. Theo ông thì hiện nay, với sự trỗi dậy của đất nước, người Trung Quốc đang đặt mình ở đâu trong thế giới?

Thật khó mà nói được tất cả người Trung Quốc nghĩ gì, rất khó để khái quát về thái độ của họ. Nhưng tôi cho là nhiều người Trung Quốc nghĩ đất nước mình hướng nội. Rất nhiều người Trung Quốc sẽ sốc khi nghe thế giới miêu tả đất nước họ là hiếu chiến, dân tộc cực đoan hay bành trướng chủ nghĩa. Khi một đồng nghiệp người Hoa của tôi nghe một người Mỹ miêu tả Trung Quốc là hung hãn và tham lam, anh ta đã vô cùng bàng hoàng. Anh ta nói làm sao họ có thể nói thế về Trung Quốc, nước tôi rất hướng nội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người Trung Quốc cho rằng nước mình không chỉ là một đất nước, mà còn là một nền văn hoá, một nền văn minh, vì thế sự xúc phạm đối với đất nước họ trong mấy trăm năm qua, không chỉ là xúc phạm một đất nước, mà còn là xúc phạm một nền văn hoá. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với nhiều công dân nước này cũng không chỉ là sự trỗi dậy của một đất nước hay như một con người đứng lên vươn vai, mà còn là sự trỗi dậy của một nền văn hoá.

Người Trung Quốc cho là nước mình hướng nội. Ảnh: TC

Trung Quốc mạnh lên – vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội

– Có nhiều nhà nghiên cứu đang cố gắng giải mã sự trỗi dậy của Trung Quốc và tìm câu trả lời cho câu hỏi Trung Quốc là rồng thật hay hổ giấy. Một số người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối nguy, một số khác cho là cơ hội. Bản thân ông là người sống ở Trung Quốc thì ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ là tất cả. Một đất nước khi giàu lên sẽ mạnh lên về nhiều mặt. Dù sự thịnh vượng còn gây nhiều tranh cãi hay có những hệ quả xã hội, vẫn sẽ có những người giàu lên và có tiền để làm nhiều việc, tốt hoặc xấu. Đó cũng là cơ hội cho người ngoài có thể kiếm tiền từ họ. Kể cả một nước nghèo cũng vừa là một đống nguy cơ, vừa là một rổ cơ hội.

Việc Trung Quốc đang ngày một mạnh lên cũng vậy, vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội. Điều tôi tập trung trong cuốn sách và cũng là điều nhiều người quan tâm là cơ chế của sự phát triển, là con đường mà nước đó đang đi, giống con đường của Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Có rất nhiều con đường để phát triển và Trung Quốc có thể chọn con đường họ muốn, mà theo tôi họ đã chọn con đường hội nhập toàn cầu sâu rộng. Khi đó tiếng nói của Trung Quốc sẽ hoà chung với tiếng nói quốc tế chứ không nổi trội, lợi ích của Trung Quốc sẽ tương đồng với lợi ích của các nước khác.

– Tôi cũng biết là chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sự phát triển hài hoà hay trỗi dậy một cách hoà bình. Vậy họ đang hiện thực hóa các thuật ngữ này như thế nào ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế? Ông có nghĩ là chúng có tác dụng không?

Tôi không phải là một chuyên gia về chính sách đối ngoại và tôi cũng hoài nghi bất cứ phát ngôn nào của bất cứ chính phủ nào về chính sách vì chúng có nhiều tính định hướng. Tôi nghĩ là việc nhấn mạnh sự trỗi dậy hoà bình không phải chỉ để dành cho công chúng nước ngoài, mà còn phản ảnh cách người Trung Quốc tự nhìn nhận mình.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang phải chạy theo giải quyết các trường hợp các công ty Trung Quốc tiền trảm hậu tấu. Tôi biết một số công ty dầu khí ký hợp đồng ở nước ngoài mà không tham vấn Bộ ngoại giao và đã có những rắc rối hiển hiện. Họ đã không xin phép trước và khi chính phủ phải đối phó với những trường hợp này, họ cố gắng bao biện bằng cụm từ “trỗi dậy hoà bình”.

Phát triển hài hoà là một thuật ngữ khác, nghe khá buồn cười vì biết thế nào là hài hoà. Chính vì sự mơ hồ của thuật ngữ này mà trong các phát ngôn khác nhau, chính phủ Trung Quốc có thể diễn giải nó khác nhau: ví dụ hài hoà là sự phân chia lại tài sản, là đổi mới, là môi trường sạch hơn, là công nghệ hiện đại, thậm chí là dân chủ…

Tôi thì cho đây là một thuật ngữ nguy hiểm và tham vọng, và nếu ở trong hệ thống, tôi sẽ ngại ngần khi sử dụng thuật ngữ này. Nhưng những thuật ngữ này không bị sử dụng một cách cẩu thả hay thiếu suy nghĩ. Ngay cả các trường đảng trung ương ở Bắc Kinh cũng giảng dạy thận trọng về việc sử dụng những thuật ngữ này trong việc làm sao để vận hành đất nước phát triển như Nhật Bản hoặc Singapore hay Mỹ.

Tôi thì thấy là họ ứng xử với thuật ngữ “hài hoà” này một cách nghiêm túc kể cả khi họ không thực sự hiểu nó. Tuy nhiên, không ai biết nó đang được áp dụng ra sao hay cũng chưa biết nó có hiệu quả thế nào.

“Chặt cầu” để tiến lên kiểu Trung Quốc

– Từ những lý giải của ông về nguyên nhân Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh như vậy, theo ông các nước có thể học được gì từ Trung Quốc?

Trung Quốc đang vận hành nền kinh tế của mình trong một môi trường cạnh tranh gay gắt và luôn nhìn các nước khác như các đối thủ cạnh tranh (Việt Nam, Thái Lan…) Nhưng điều quan trọng là mọi hoạt động trong nền kinh tế Trung Quốc đều chứa đựng những tiềm năng nâng cao giá trị, đều có thể được nhân lên và có thể tiếp cận được với những thiết kế phức tạp.

Nhưng con người cần phải được đào tạo để tham gia vào những hoạt động đó, chứ không thể chỉ áp dụng những hình thức bảo hộ hay hàng rào để kiềm chế sự cạnh tranh. Chưa có nước nào tìm được ra cách tối ưu để làm được việc này, hy vọng Trung Quốc hay Việt Nam sẽ tìm ra.

– Từ những gì ông nói, tôi cho là Việt Nam có thể học được nhiều điều. Ở Việt Nam, đảng viên đã được phép làm kinh tế, song đảng vẫn duy trì nguyên tắc đại diện cho giai cấp lao động, vẫn nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, trong khi các học thuyết đều đã lạc hậu. Theo tôi điều khác biệt chính là Trung Quốc có những lãnh đạo đủ can đảm để mạo hiểm.

Có thể là họ tự tạo cho mình hoàn cảnh đó, tự đẩy mình vào hoàn cảnh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiến lên phía trước và “chặt cầu” đằng sau.

Khi tôi còn học trong trường kinh doanh, tôi được dạy là phải đưa ra quy tắc trước rồi làm gì thì làm. Nhưng Trung Quốc không làm như vậy. Họ bỏ ngoài tai mọi quy tắc, chấp nhận mọi hành vi khác nhau. Và xong việc rồi họ mới quay lại chỉnh sửa các quy tắc.

Một nhà kinh tế học người Trung Quốc kể với tôi một câu chuyện thế này: có một ngôi làng ở Trung Quốc, ở đó họ dùng ngựa để kéo cày vì người ta bảo họ đó là con vật kéo cày tốt nhất. Có những làng khác ở xa lại dùng ngựa vằn để kéo cày. Nhưng người làng này kiên quyết cho rằng ngựa thường mới kéo cày tốt, ngựa vằn kéo cày dở và đừng có dại mà nghĩ đến chuyện dùng ngựa vằn nếu không sẽ gặp rắc rối lớn. Dù qua nhiều năm dùng ngựa thường kéo cày mà vẫn nghèo đói thiếu thốn, họ vẫn tin như thế là tốt nhất.

Đến một lúc, họ bắt đầu nhìn ra xung quanh và nhận thấy làng dùng ngựa vằn đang giàu lên nhanh chóng. Nhưng trưởng làng vẫn nhắc đi nhắc lại “ngựa, ngựa, ngựa”. Và người dân làng này tiếp tục sống nghèo khổ. Nhưng rồi lãnh đạo làng đó chợt nghĩ, thế này không ổn. Nửa đêm, họ ra chuồng ngựa, sơn vài đường vằn lên thân mấy con ngựa. Sáng hôm sau người dân nhìn thấy và rất ngạc nhiên, các lãnh đạo trấn an đó không phải ngựa vằn, mà là ngựa sơn. Và người dân dần quen với chúng.

Vài tháng sau, các lãnh đạo bí mật tráo một số ngựa sơn thành ngựa vằn thật, nhưng vẫn bảo người dân là chúng ta dùng ngựa sơn chứ tuyệt nhiên không dùng ngựa vằn. Tình hình cải thiện dần và chẳng còn ai tranh cãi về ngựa thường với ngựa vằn nữa. Giờ đây làng này cũng giàu chẳng kém làng dùng ngựa vằn thật. Và câu chuyện ngựa thường – ngựa vằn trôi vào dĩ vãng. Cách làm của người Trung Quốc là vậy, chẳng nói gì, cứ lẳng lặng làm thôi.

Và giờ ở Trung Quốc vẫn còn nhiều ngựa sơn lắm!

Tác giả: VIỆT LÂM – PHƯƠNG LOAN – THỦY CHUNG (Tuanvietnam)