Đặng Tiểu Bình qua nét vẽ của Chế Lan Viên


“Kìa Bình đang phình bụng phình cờ cho bằng thế giới

Cờ đỏ, cờ vàng, cờ trắng, cờ đen…Thôi khỏi nói

Mèo trắng, mèo đen, miễn cứ được là mèo

Khốn nỗi trong lịch sử ấy à ? Bình chỉ mới meo meo !” Chế Lan Viên

Lê Mai

Nhà thơ Chế Lan Viên

Phần 1: Có một nhân vật nổi “đình đám” nhất, thu hút nhiều nhất sự chú ý của dư luận thế giới trước, trong và sau cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, không ai khác hơn, đó chính là Đặng Tiểu Bình. Chưa đầy hai năm sau ngày được phục hồi, ông ta bất ngờ tung ra cuộc xâm lược VN làm cả thế giới kinh ngạc, cho là cuộc chiến của “những người anh em đỏ”. Xét về mặt lịch sử, Đặng có vẻ không ưa VN, khác với Chu Ân Lai – về một khía cạnh nào đó, có tình cảm đối với VN. Thời gian những năm sáu mươi, ông ta yêu cầu VN từ chối nhận viện trợ của Liên Xô, chỉ nhận viện trợ của TQ thôi. Tất nhiên, VN không sa vào cái bẫy mà ông ta giăng ra. Cân bằng mối quan hệ giữa TQ và LX trong giai đoạn lịch sử đầy sóng gió ấy là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của VNDCCH – cũng chính là của Hồ Chí Minh.

Đặng đã được truyền thông thế giới nói đến rất nhiều. Vậy Chế Lan Viên, nhà thơ được coi là thông minh nhất VN – giới trí thức rất thích chất trí tuệ trong thơ ông, đã vẽ chân dung Đặng ra sao xung quanh cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979?

Chúng ta đều biết, Chế Lan Viên có câu thơ “khó hiểu” như: “Bác Mao nào ở đâu xa. Bác Hồ ta đó chính là bác Mao”. Vấn đề trở nên “dễ hiểu” khi chúng ta biết nhận xét của Chế Lan Viên về thơ Mao – nhân ông trả lời câu hỏi của nhà văn V.T.H, “thơ phú gì cái thằng cha ấy” ?! (Đêm giữa ban ngày – V.T.H).

Đây là nét vẽ đầu tiên của Chế Lan Viên về Đặng:

Bắng nhắng băng nhăng, láu ta láu táu

Tên lùn ấy muốn đóng một vai cao trên sân khấu

Mao dựng nó từ đầu, giờ làm bộ phê Mao

May ra trò này khiến nó thêm cao!

Nét vẽ đầu tiên có một chữ “lùn” và hai chữ “cao” – thực ra là nói cái “lùn” của Đặng. Ông ta có chiều cao rất khiêm tốn, điều này ai cũng biết. Trước, trong và sau cuộc chiến biên giới Việt – Trung, Đặng đi thăm nhiều nước, phát biểu nhiều, hoạt động nhiều, phải chăng, vì vậy mà nhà thơ cảm thấy ông ta “bắng nhắng băng nhăng, láu ta láu táu”?

Nhà thơ của chúng ta hiểu lịch sử lắm. Mặc dù Đặng là “tên đầu sỏ thứ hai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, song Mao phân biệt Đặng và Lưu Thiếu Kỳ. Mao dồn Lưu vào chỗ chết, cách hết chức vụ của Đặng nhưng giữ lại đảng tịch cho Đặng, khi cần thì đưa Đặng ra dùng. Ngay ba năm Đặng bị hạ phóng đi lao động cải tạo ở Giang Tây, cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Mao giao cho Uông Đông Hưng, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng quản Đặng, tuyệt đối không cho nhóm Lâm Bưu hay nhóm Giang Thanh nhúng vào. Mao chọn Lâm Bưu làm người kế vị, song luôn cảnh giác, vì Lâm bộc lộ tham vọng quá sớm và quá lớn. Có lần, Mao nói đầy ý nhị, nếu Lâm Bưu sức khỏe kém, có khi tôi phải để Đặng Tiểu Bình xuất hiện trở lại. Quả là sự tính toán và lòng dạ của Mao sâu như biển, mấy ai lường được.

Thế thì, sao bây giờ Đặng lại “làm bộ phê Mao”? Đặng nói, tôi sẽ không đối xử với Mao Trạch Đông như Khơrútxốp đã đối xử với Xtalin. Phê phán thì cứ phê phán, cần gì lại phủ định sạch trơn Xtalin? Đặng cho rằng, sai lầm của đồng chí Mao là ở chỗ đi ngược lại phần đúng đắn trong tư tưởng của mình. Ông ta phân biệt tư tưởng Mao với những tư tưởng sai lầm của Mao lúc cuối đời. Do đó, phê phán những sai lầm cuối đời của Mao chính là giương cao lá cờ tư tưởng Mao. Rõ ràng, ông ta rất khôn ngoan !

Trước khi đánh VN, Đặng đi Mỹ, vào đúng ngày mồng một đầu năm âm lịch. Ông ta chọn ngày đó để vượt đại dương sang Mỹ khiến Tổng thống Cater cảm động. Tất nhiên, ý đồ của ông ta có nhiều: liên hiệp với Mỹ để ngăn chặn LX nhằm giảm áp lực ở biên giới Trung – Xô, vấn đề Đài Loan, tìm kiếm sự hợp tác kỹ thuật phục vụ “bốn hiện đại”. Và tất nhiên, cuộc xâm lược VN nằm trong nghị trình của Đặng.

Thời gian thăm Mỹ, Đặng ra sức đóng vai phần tử thân Mỹ. Ông ta đến trường đua ngựa và cảnh tượng ở đó làm ông ta cảm thấy rất mới mẻ, thú vị. Trước khi cuộc đua khai mạc, hai cô gái cưỡi ngựa trắng tới mời Đặng ra trước công chúng để tặng ông ta một chiếc mũ rộng vành. Ông ta thích thú đội nó lên đầu.

Hình như Chế Lan Viên vẫn bị “ám ảnh” bởi cái lùn của Đặng:

“Bốn hiện đại” làm hắn cao lên mấy tấc

Mà trường chinh đến Huê Kỳ phủ phục ?

Người đẹt một gang còn chơi mũ rộng vành !

Cái thân sên mà đóng bộ du hành !

Phần 2:

Tuần lễ du thuyết của Đặng làm chấn động dư luận thế giới. Để tấn công VN, Đặng cần được Mỹ hậu thuẫn, đồng thời, phải ngăn chặn sự tham chiến của LX bởi VN và LX vừa ký kết một Hiệp ước. Nếu không nhốt con gấu Bắc Cực (ám chỉ LX) vào chuồng, thì làm sao có thể dễ động binh đối với VN – ông ta nói. Vì vậy, dư luận thế giới kinh ngạc khi nghe ông ta phát biểu rất nhiều lời lẽ chống LX, có thể nói là chưa từng có từ thời “cách mạng văn hóa”. Ông ta kêu gọi Mỹ, Nhật, TQ, Tây Âu và các nước khác trên thế giới liên hiệp lại để chống bá quyền LX.

“Đặng mê bài Tây và Mỹ đang cần chơi một ván bài Tàu”, vì dù sao, trước đó, nước Mỹ đã phải rút quân khỏi VN trong bối cảnh không lấy gì làm vẻ vang. Nếu những “người anh em đỏ đánh nhau” thì thật là một điều “tuyệt diệu” cho nước Mỹ.

Thượng đế cho ta cả một Vạn lý trường thành,

Cứu Mỹ không phải Mỹ đâu, chính Đặng Tiểu Bình

Đặng tuyên bố, sẽ “dạy cho VN một bài học”. Nhà thơ tiếp tục:

Và xuất quân tám mươi vạn thằng đầu trọc

Sáng ở Hà Nội tế Sầm Nghi Đống xong rồi bốc cốt Đống Đa

Chiều hội sư Sài Gòn cùng tiểu tướng lâu la…

Thực ra, TQ dùng 9 quân đoàn với khoảng 300 ngàn quân, trên 550 xe tăng và xe bọc thép, 2.558 khẩu pháo, bất ngờ tấn công VN trên toàn tuyến biên giới. Đặng luôn tuyên bố cuộc “trừng phạt” VN sẽ hạn chế về không gian và thời gian. Tuyên bố như vậy, ông ta hòng đạt được hai mục đích: thứ nhất là lừa bịp dư luận thế giới; thứ hai là ngăn chặn sự tham chiến của LX. Quả nhiên, LX chỉ cử Đoàn cố vấn quân sự cao cấp sang VN; đồng thời cho máy bay vận tải vận chuyển một số sư đoàn quân VN từ Cambodia về biên giới phía Bắc. Tuy vậy, thực ra VN cần vũ khí và sự ủng hộ của LX là chủ yếu, chứ đánh theo cách đánh của LX là không thích hợp với VN.

Đặng lại rêu rao, TQ không cần một tấc đất của VN, rằng cái mà TQ cần là một đường biên giới ổn định, hòa bình. Thử hỏi, nếu không bị đánh sứt đầu, mẻ trán, liệu TQ có dừng lại ở mấy tỉnh biên giới rồi rút lui? Người cầm quân nào lại không biết khuếch trương chiến quả giành được?

Cho nên, làm sao tin được họ và vấn đề này không thể địch nổi Chế Lan Viên:

Đất Việt Nam, Bình này đây không thèm một tấc

Nuốt được đến Cà Mau ư? Xin nuốt tất

Ôi ! Không Mao Đài mà hồn Đặng cứ phiêu diêu

Lãng mạn mà, cái trạng thái cà khêu !

Mặc dù tốc độ tiến quân lúc đầu khá nhanh, song quân TQ nhanh chóng phải giảm tốc độ, do hệ thống hậu cần lạc hậu và sự đánh trả quyết liệt của quân VN – bấy giờ chủ yếu là lực lượng địa phương. TQ đã phải chịu nhiều thương vong lớn. Thế thì, làm sao mà có thể tiến quân đến Hà Nội một cách dễ dàng được? Nhà thơ nhận xét, TQ chưa đủ sức, “vào Lạng Sơn thôi cũng chưa đủ sức vào”.

TQ cần chiếm Lạng Sơn để giành lấy một thắng lợi chính trị trước khi rút quân. Ngày 27 tháng 2, vào lúc 6 giờ sáng, trận đánh chiếm Lạng Sơn của quân TQ bắt đầu. TQ đã điều đến đây thêm 2 sư đoàn và tiếp tục đưa thêm quân mới từ TQ sang để tăng viện cho mặt trận Lạng Sơn. Các Sư đoàn 3, 337 của Việt Nam đã phòng ngự hết sức ngoan cường và phản công mãnh liệt trước các đợt tấn công biển người của quân TQ.

Dù quân TQ chiếm được điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng nhưng từ 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, quân TQ vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy lực lượng tiến công đã lên đến gần 5 sư đoàn bộ binh. Chiến sự diễn ra hết sức ác liệt. Chỉ trong ba ngày (từ 27 tháng 2 đến 1 tháng 3), quân VN đã đánh thiệt hại nặng và loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn, ba tiểu đoàn quân TQ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Các các sư đoàn chủ lực của VN có xe tăng, pháo binh hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Trước những tổn thất to lớn và bị dư luận thế giới kịch liệt phản đối, ngày 5 tháng 3, TQ tuyên bố rút quân.

Chế Lan Viên kết thúc những nét vẽ về Đặng:

Kìa Bình đang phình bụng phình cờ cho bằng thế giới

Cờ đỏ, cờ vàng, cờ trắng, cờ đen…Thôi khỏi nói

Mèo trắng, mèo đen, miễn cứ được là mèo

Khốn nỗi trong lịch sử ấy à ? Bình chỉ mới meo meo !

“Bất kỳ mèo trắng hay mèo đen, hễ bắt được chuột thì đều là mèo tốt” nguyên là câu nói của nguyên soái Lưu Bá Thừa – người cộng tác với Đặng, thường nói trong chiến tranh. Đặng đã phát triển câu nói ấy thành “lý luận mèo” nổi tiếng.

Lý luận mèo thể hiện quy luật sinh tồn: chú trọng thực tế. Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Loại mèo đó có đáng nuôi không, then chốt không phải xem nó có màu lông gì, do ai chọn, mà xem thực tiễn bắt chuột của nó. Nếu thực tiễn nó bắt được chuột, thì đó là mèo tốt, đáng nuôi. Nếu không, hãy để quỷ tha ma bắt nó đi.

Mao từng phê phán Đặng, khi chuẩn bị đánh đổ Đặng lần thứ hai: “Con người đó không nắm đấu tranh giai cấp, xưa nay không đề xuất vấn đề chủ yếu đó, vẫn cứ mèo trắng mèo đen, bất kể chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa Mác”.

Phải thừa nhận, “lý luận mèo” của Đặng có sức giải phóng tư tưởng rất lớn.

Nhà thơ chơi chữ rất độc đáo. Ai cũng biết “lý luận mèo” của Đặng. Lại lấy tiếng kêu của mèo để đánh giá vị trí của Đặng trong lịch sử rất thú vị. Có thể trong lịch sử, vị trí của ông ta không phải là mới “meo meo”. “Ông ta người thấp bé, có thể là người thấp bé nhất trong những người lãnh đạo quốc gia này. Nhưng nếu xếp hàng những nhà lãnh đạo quốc gia, thì có thể khẳng định, ông ta không đứng sau cùng, mà đứng ở vị trí đầu tiên” – nhận định của một Đại sứ Đức.  Đối với chúng ta, chắc chắn rằng sự kiện đánh VN là một trong hai vết đen lớn nhất trong sự nghiệp của Đặng.

Nguồn: Lê Mai blog