Một loạt dấu hỏi quanh bê bối lớn nhất ngành y tế


Quy định của Bộ Tài chính thì “trường hợp đặc biệt trị giá gói thầu từ 1 tỷ đồng trở lên, nếu thấy cấn thiết phải chỉ định thầu thì các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính để thẩm định, báo cáo Thủ tướng CP xem xét quyết định”. Thực tế là Bộ Y tế đã không có văn bản gửi Bộ Tài chính để thẩm định và báo cáo Thủ tướng trước khi đặt hàng.

Cẩm Quyên

Vụ Bộ Y tế để thất thoát hàng trăm tỷ đồng từ việc mua thuốc Tamiflu dữ trữ phòng chống dịch cúm A/H5N1 đang gây lùm xùm trong dư luận với những thông tin, ý kiến trái chiều.

LTS: 3 ngày nay, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến những thông tin liên quan đến việc Bộ Y tế để thất thoát hàng trăm tỷ đồng từ việc mua thuốc Tamiflu dự trữ phòng chống dịch cúm A(H5N1) diễn ra năm 2006. Cả người tiền nhiệm lẫn đương nhiệm của Bộ Y tế đều đã lên tiếng trước các nội dung của bản dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc, trong đó nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã phản ứng khá gay gắt. Càng nhiều thông tin đối chọi nhau, càng có nhiều dấu hỏi lớn được đặt ra.

Không thích thuốc có chất lượng, giá vừa thấp, hạn dùng vừa dài (!?)

Tại nội dung “Xây dựng kế hoạch dự trữ Quốc gia và sản xuất thuốc Tamiflu để phòng, chống dịch cúm do virut cúm A(H5N1) tại VN”, Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc tham mưu, đề xuất dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc Tamiflu (tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người) là thiếu căn cứ thực tế về tình hình diễn biến của dịch cúm A(H5N1) tại VN. Bởi từ cuối năm 2003 đến cuối năm 2005, cả nước chỉ ghi nhận 91 trường hợp mắc bệnh tại 32 tỉnh, thành phố!

Chưa hết, nếu Bộ Y tế mua nguyên liệu sản xuất thuốc có hoạt chất Osetalmivir phosphate phòng, chống cúm A(H5N1) của Công ty Roche thì hạn dùng sẽ là 10 năm, giá cả lại ưu đãi đáng kể so với giá kinh doanh thông thường. Nhưng công ty Roche cho biết sau tháng 8/2006 mới có thể cung cấp hoạt chất này cho các công ty VN.

Thay vì hợp tác theo kế hoạch mà Roche đưa ra, Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất: Đến 30/6/2006 phải dự trữ đủ 100% nhu cầu thuốc để điều trị và dự phòng trong trường hợp đại dịch cúm xảy ra. Và vì thế Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị sản xuất trong nước (gồm 4 công ty dược phẩm) chủ động tìm kiếm và đặt hàng nguồn nguyên liệu.

Thanh tra Chính phủ kết luận: Chính đề xuất này đã dẫn đến việc VN không mua được nguyên liệu của công ty Roche. Thay vào đó, các nhà sản xuất trong nước đã mua nguyên liệu từ Ấn Độ với giá đắt hơn và hạn dùng ngắn chỉ bằng 1/3 (hạn dùng của Roche là 10 năm, hạn dùng của Ấn Độ là 3 năm).

Mua thuốc, không cần thương thảo giá

Viêc đặt hàng với 4 công ty sản xuất thuốc của Bộ Y tế đã được xác định có nhiều sai phạm.

Cụ thể: Ngày 17/11/2005, Bộ Y tế có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở đủ điều kiện tham gia kế hoạch sản xuất thuốc. Hội đồng này do Cục trưởng Cục Quản lý Dược làm chủ tịch và một trong những trách nhiệm của hội đồng trên là “thương thảo với các doanh nghiệp tham gia kế hoạch sản xuất thuốc về các vấn đề cụ thể như đơn đặt hàng, giá cả, kế hoạch sản xuất, giao hàng và tồn trữ bảo quản”.

Tuy nhiên, chính Hội đồng này đã có các vi phạm nghiêm trọng như: Tại biên bản làm việc của Hội đồng với 4 công ty trên không có nội dung thương thảo về giá. Biên bản không có chữ ký của đại diện công ty được kiểm tra. Không có kết luận rõ về kết quả thẩm định ở từng công ty. Mặt khác, khi chưa báo cáo Bộ trưởng, Hội đồng thẩm định đã gửi đơn đặt hàng cho 4 công ty ngay tại buổi kiểm tra.

Giải trình việc này, Bộ Y tế cho rằng việc tổ chức tự sản xuất thuốc là kế hoạch “tối mật”, không thể đặt vấn đề đấu thầu công khai. Nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì “trường hợp đặc biệt trị giá gói thầu từ 1 tỷ đồng trở lên, nếu thấy cấn thiết phải chỉ định thầu thì các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính để thẩm định, báo cáo Thủ tướng CP xem xét quyết định”. Thực tế là Bộ Y tế đã không có văn bản gửi Bộ Tài chính để thẩm định và báo cáo Thủ tướng trước khi đặt hàng.

Thiếu kiếm tra, để thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách

Quá trình sản xuất thuốc Tamiflu. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Thanh tra CP chỉ ra rằng: Sau khi mua 2.030kg nguyên liệu Oseltamivir hạn dùng 36 tháng từ Ấn Độ, công ty Stada VN được nhận lại số tiền 930.000 USD, công ty Pymepharco nhận lại 930.000 USD và công ty IMEXPHARM nhận lại 986.000 USD.

Trả lời báo Tiền phong ngày 7/9, Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm – ông Nguyễn Quốc Triệu – cho biết ông không có ý kiến gì vì “bản kết luận chưa được Thủ tướng thông qua”. Tuy nhiên, ông Triệu khẳng định nếu có sai phạm, việc xử lý sẽ phải được thực hiện nghiêm minh và việc xử lý này cũng sẽ phụ thuộc vào kết luận cuối cùng của Thanh tra CP.

Lý do được nhận lại tiền được các công ty giải thích: Do việc sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir theo hợp đồng với Bộ Y tế bị lỗ và các công ty này đã đàm phán với bên bán nguyên liệu để được bù lỗ. Bên bán nguyên liệu đã chuyển lại các khoản “bù lỗ” theo các mức như trên.

Tuy nhiên, theo các hợp đồng mua nguyên liệu của IMEXPHARM và Pymepharco ký với bên bán nguyên liệu thì không có điều khoản nào nêu trong hợp đồng có nội dung là bên bán nguyên liệu phải bồi hoàn cả khoản lỗ. Mặt khác, các công ty này không mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nguyên liệu và không báo cáo Bộ Y tế về tình trạng lỗ trong quá trình sản xuất.

Vì thế, Thanh tra CP kết luận: Số tiền chuyển lại nêu trên có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, trả cho công ty để mua nguyên liệu và sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế, vì vậy phải nộp trả lại cho ngân sách Nhà nước.

Chỉ riêng tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã có một khoản tiền khổng lồ được giữ lại lên tới 3.848.000 USD. Số tiền công ty này mua nguyên liệu là 9.100.000 USD (Bộ Y tế đã thanh toán đủ) nhưng công ty mới trả bên bán 5.252.000 USD (tháng 5/2009 bên bán mới có giấy ủy quyền đòi nợ).

3.848.000 USD này được công ty sử dụng vào việc trả nợ ngân hàng, mua nguyên liệu không liên quan đến việc thực hiện hợp đồng với Bộ Y tế.

Đặc biệt, trong cơ cấu giá thành được duyệt có công việc thử tương đương sinh học với giá 17 đồng/viên. Với số lượng thuốc là 19.608.990 viên, tổng số tiền thử tương đương sinh học mà Bộ Y tế phải trả cho 4 công ty là 333.250.830 đồng. Đến thời điểm thanh tra, Bộ đã thanh toán 165.454.030 đồng cho 4 công ty để thử tương đương sinh học, song thực chất là các công ty vẫn chưa thực hiện.

Buông lỏng quản lý giá thuốc

Thanh tra CP chỉ ra rằng Bộ Y tế đã không chủ động phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá mua thuốc trước khi có đơn đặt hàng cho các công ty sản xuất để làm căn cứ pháp lý. Đơn đặt hàng không ghi đơn giá mà giao cho các công ty phải tự tìm nguồn mua nguyên liệu, tự xây dựng giá thuốc dẫn đến bị động khi thẩm định giá thuốc và cơ quan quản lý phải phụ thuộc vào giá do các công ty đề xuất.

Hậu quả tất yếu là giá thuốc tăng cao: Trong kế hoạch số 59/BYT-QLD báo cáo Thủ tướng CP, Bộ Y tế dự trù giá mua nguyên liệu từ Ấn Độ và Trung Quốc là 12.000 USD/kg (giá Ấn Độ chào hàng). Song khi để các công ty tự xây dựng giá thì giá mua đã lên tới 17.500USD-18.000 USD/kg!

Do việc nguồn mua nguyên liệu là từ nước ngoài, Thanh tra CP cũng chưa thể xác định được tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, giá nguyên liệu lúc mua lại tăng cao so với giá được nêu trong kế hoạch của Bộ Y tế!

Nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến: Thanh tra Chính phủ đánh giá chưa toàn diện (?!)

Bà Trần Thị Trung Chiến khi còn là bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh tư liệu

Thời điểm diễn ra việc mua Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng, chống dịch cúm A(H5N1), bà Trần Thị Trung Chiến đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà là người đã chỉ đạo kế hoạch dự trữ thuốc phòng chống cúm A(H5N1) giai đoạn 2005 – 2006 của Bộ Y tế.

Trước những thông tin mà Thanh tra CP đưa ra, ngày 8/9, bà Chiến đã có văn bản gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng để phản hồi.

Theo bà Chiến, dự thảo kết luận của Thanh tra CP hoàn toàn không nêu được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật của lãnh đạo đơn vị hoặc các cá nhân thuộc Bộ Y tế và Tài chính trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir.

Thanh tra CP đã đề nghị chuyển qua điều tra tiếp tục làm rõ giá mua nguyên liệu của các công ty và khoản tiền còn giữ lại để ngoài báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Theo bà Chiến, việc Thanh tra CP kiến nghị Thủ tướng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ khi không phát hiện được các dấu hiệu hoặc chứng cứ là quan điểm “hình sự hoá” một vấn đề kinh tế.

Theo ý kiến riêng của bà Chiến, trong trường hợp phải làm rõ hơn các vấn đề tài chính của Công ty thì Thủ tướng nên chỉ định các cơ quan chuyên môn như Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và khảo sát sâu hơn các vấn đề liên quan, tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Bà Chiến cho rằng về cơ sở pháp lý liên quan đến quy trình thẩm định giá và phê duyệt giá của Liên bộ Y tế và Tài chính còn có ý kiến khác nhau rất cơ bản giữa Thanh tra CP và Bộ Tài chính.

Những kết luận của Thanh tra CP về các vấn đề trên đều có liên quan đến một số đồng chí lãnh đạo cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm. Do vậy, bà Chiến đề nghị Bộ Chính trị và Thủ tướng cần chỉ đạo Thanh tra CP tổ chức một buổi họp chính thức, có sự tham gia của tất cả các lãnh đạo cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm liên quan đến kế hoạch dự trữ Tamiflu để có ý kiến chỉ đạo về quan điểm chung cũng như các vấn đề cụ thể trước khi Thanh tra CP có kết luận chính thức.

Bà Chiến cũng đề nghị cần xem xét kiến nghị của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế tiền nhiệm và đương nhiệm, các kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp.

Toàn bộ kế hoạch tối mật dự trữ thuốc quốc gia do liên Bộ Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp triển khai. Tuy nhiên, trong nhận xét đánh giá và kết luận chỉ đề cập tới vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế. Như vậy đánh giá của Thanh tra CP là chưa toàn diện.

Thanh tra Chính phủ: Ai kiện cứ kiện!

Phản ứng trước thông tin có doanh nghiệp nói sẽ kiện Thanh tra Chính phủ (TTCP), phó tổng TTCP Nguyễn Văn Sản khẳng định trên Tuổi Trẻ ngày 10/9 ai kiện thì cứ kiện, cơ quan nào nhận được đơn kiện sẽ là cơ quan xử lý việc đó, các cơ quan đó sẽ thụ lý để xem đúng hay sai. Ông Sản khẳng định bất kỳ cuộc thanh tra nào, theo quy trình, đoàn thanh tra đều cho các đơn vị bị thanh tra, các đơn vị, cá nhân liên quan giải trình. “Họ phải giải trình cho chúng tôi trước đó rồi” – ông Sản nhấn mạnh.

Về nội dung tại sao một số bộ ngành khác đều tham gia việc này nhưng chỉ kết luận trách nhiệm thuộc Bộ Y tế, ông Sản khẳng định thanh tra có tiến hành xem xét đối với các bộ ngành khác nhưng qua xem xét trách nhiệm của các bộ chỉ đến một chừng mực, trong khi đó trách nhiệm chính là người tổ chức thực hiện nên TTCP đã kết luận rõ.

Một nguồn tin giấu tên nói với Tuổi Trẻ, mặc dù bà Trung Chiến cho rằng kết luận thanh tra không đưa ra được các chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật của các đơn vị, cá nhân nhưng cuộc thanh tra này là một trong những cuộc thanh tra thu thập nhiều tài liệu nhất từ trước đến nay. Các kết luận được đưa ra sau khi phân tích các văn bản pháp lý hiện hành.

Đoàn thanh tra cũng đã dành nhiều tháng cho việc viết dự thảo kết luận và dành nhiều thời gian để các bên liên quan đóng góp ý kiến và giải trình. Cuộc thanh tra này cũng được tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi C37 Bộ Công an đã tiến hành điều tra ban đầu. Vì thế, không thể nói kết luận không đưa ra được chứng cứ.

Xem ra, vụ bê bối được xem là lớn nhất từ trước tới nay của ngành y tế này sẽ còn lùm xùm trong một thời gian nữa.

Nguồn: TVN

Xem thêm: Bất thường trong vụ 20 triệu viên Tamiflu dự trữ: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng mua thuốc sắp hết hạn

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Một loạt dấu hỏi quanh bê bối lớn nhất ngành y tế

  1. The majority of us are not familiar with where to start this. Making it basic, that you are capability to inquire all people nearest thing for your requirements can be the best way to watch out for most of these condos inside just a subject involving moment and also position.

Bình luận đã được đóng.